Hình minh họa
Đối với các chợ - TTTM hoạt động chưa hiệu quả như: Thanh Trì, Cửa Nam, Hàng Da, Vân Đình..., UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã có chợ trên địa bàn trực tiếp làm việc với doanh nghiệp quản lý chợ để rà soát, phát hiện những bất cập, tìm biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, TP Hà Nội sẽ tiến hành một loạt các giải pháp như: dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm tại các khu vực lân cận với các chợ - TTTM vừa được xây mới, giảm giá thuê điểm kinh doanh, miễn giảm tiền trông giữ xe. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động phụ trợ khác như: tổ chức tháng khuyến mại, chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, chương trình bình ổn giá của thành phố... để lôi kéo tiểu thương và thu hút người tiêu dùng đến với các chợ - TTTM đang vắng khách trên địa bàn.
TP Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết thực hiện giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là các tụ điểm dọc quốc lộ, tỉnh lộ, tụ điểm giao thông. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần sớm rà soát, phân loại các tụ điểm họp chợ cóc, chợ tạm, lập kế hoạch giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm từ nay đến cuối năm 2014 và trong năm 2015, báo cáo UBND TP trước ngày 15/12 tới.
Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 426 chợ các loại, trong đó có 82 chợ kiên cố, 215 chợ bán kiên cố, 129 chợ lán tạm, tổng diện tích tất cả các chợ khoảng 1,76 triệu m2. Trong 3 năm (2011 – 2013), thành phố đã đầu tư xây dựng, cải tạo chợ với tổng kinh phí gần 204 tỷ đồng, nhưng nhiều chợ còn khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tạm bợ, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ...
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công tác quản lý chợ là lĩnh vực khó khăn, phức tạp vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo người dân. Do đó, thành phố đặc biệt quan tâm và siết chặt công tác quản lý chợ, nhất là chợ cóc, chợ tạm với mong muốn lĩnh vực này đổi mới và có hiệu quả rõ nét trong tương lai.