18/05/2011 4:37 AM
Hơn 3 năm qua, hàng ngàn hộ dân xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội phải đứng trước cảnh dở khóc dở cười vì các dự án đô thị mọc lên, hạ tầng sản xuất bị phá vỡ khiến hàng chục héc ta ruộng ở đây phải bỏ hoang không thể cày cấy được, đời sống người dân đang dần lâm vào cảnh thất nghiệp, có ruộng nhưng vẫn phải ăn gạo đong.
Hà Nội: Đất bỏ hoang vì các dự án đô thị

Xã Vân Canh có trên 280 héc ta đất nông nghiệp, với 7.809 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Theo quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã sẽ bị thu hồi để xây dựng các khu đô thị. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ được khoảng 250 héc ta để giao cho 3 chủ đầu tư thực hiện các dự án gồm: Khu đô thị Vân Canh của Tập đoàn Nhà và Phát triển đô thị Việt Nam (HUD), Khu đô thị nhà vườn của Vinapol và Khu đô thị Đại học Vân Canh của Công ty cổ phần An Lạc.

Bên cạnh sự phát triển của các khu đô thị đó vẫn còn tồn tại hàng chục ha đất nông nghiệp nằm chết kẹt bởi dự án, rất khó cho việc canh tác như: Ở đồng Chảy, đồng Thông của thôn Hậu Ái; đồng Cờ, đồng Tiến của thôn An Trai. Anh Lê Văn Hoàng, thôn Hậu Ái cho biết: “Kể từ ngày các dự án mọc lên, đồng nghĩa với người dân không thể cày, cấy trên thửa ruộng nhà mình. Nhà tôi có hai sào ở đồng Thông nhưng giờ chỉ để cho cỏ dại mọc thôi, nước không có nên đất ruộng ở đây trở nên khô, cằn cỗi. Không những thế, vào mùa nắng thì đất nứt nẻ. Nhưng chỉ vài hạt mưa xuống, nước ứ đọng không có lối thoát lại ngập úng”.

Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân dẫn đến họ không thể làm được ruộng là do quá trình san lấp mặt bằng, thi công thực hiện các dự án. Toàn bộ hệ thống kênh mương đã bị phá vỡ, chặn ngang các dòng chảy khiến nước không thể điều tiết vào trong ruộng được, chính vì vậy hơn ba năm nay các cánh đồng của xã Vân Canh phải bỏ hoang không thể gieo cấy, cỏ dại mọc um tùm.

Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Hậu Ái cho biết: “Nhà tôi có 7 sào ruộng thì đã bị thu hồi hết, chỉ còn một sào ở thôn đồng Chảy lại không thể gieo cấy được. Chúng tôi chẳng còn tí đất nào để mà sản xuất, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nên chẳng mấy ai có nghề phụ, hiện gia đình tôi phải ăn gạo đong hàng tháng. Cứ đà này không biết tới đây chúng tôi lấy cái gì để mà sống nữa”.

Ông Nguyễn Viết Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Vân Canh cho biết, xã nằm ở cuối nguồn tiêu úng của huyện Hoài Đức nên khi đóng cống thì hầu như xã bị ngập nước hết. Hơn nữa các dự án đô thị mọc lên, xã Vân Canh lọt thỏm bên trong các dự án như một hình lòng chảo, hệ thống kênh mương điều tiết nước tưới tiêu đều bị chặn nên các ruộng lúa không có nước gieo cấy, khi có mưa xuống nước không tiêu được cũng chết.

“Trước khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội, toàn bộ đất nông nghiệp của xã Vân Canh đã được quy hoạch theo tỉ lệ 1/500 nên xã không có thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây lâu năm mà chỉ động viên bà con chuyển đổi đất cấy lúa sang đất trồng rau ngắn ngày. Tuy nhiên chỉ một số diện tích gần ao hồ trồng được còn lại những chỗ khác thiếu nước canh tác nên đành bỏ hoang”, ông Khánh cho biết.

Ông Trần Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Vân Canh phân trần: Việc diện tích đất nông nghiệp của xã đang bị bỏ hoang là có thật. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề bất cập liên quan đến cách bố trí các dự án không đồng bộ dẫn đến diện tích đất nông nghiệp còn lại của xã đang bị kẹt giữa các dự án

Theo Lâm Nguyên (Báo Nông Nghiệp VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland