Mặc dù quy hoạch chung Hà Nội còn đang chờ được phê duyệt nhưng đã xảy ra cơn sốt đất ở một số dự án đầu tư khu đô thị mới Dương Nội, An Khánh và mới đây là cơn sốt đất nông nghiệp ở Ba Vì đã chỉ ra những nghịch lý trong việc quản lý đất đai, nhất là khi chính quyền thiếu quỹ đất dự trữ.


Nhiều dự án bất động sản đồ sộ đang mọc lên ở huyện vùng ven Từ Liêm, Hà Nội, nơi vốn là vùng sản xuất nông nghiệp trước đây - Ảnh: Hồng Văn

Tại hội nghị "Bất động sản vùng thủ đô, cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội” được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, để hạn chế tình trạng “làm giá” đất và huy động vốn thông qua việc khai thác quỹ đất đô thị, chính quyền cần huy động nguồn lực để xây dựng quỹ đất dự trữ đô thị ngay khi lập quy hoạch.

Chế độ dự trữ đất sẽ tạo điều kiện để chính quyền điều hành được thị trường đất đô thị chứ không chạy theo phục vụ thị trường như hiện nay.

Trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 4-2009, đã dự kiến đến năm 2020, cả nước có trên 910 đô thị với 44 triệu dân (chiếm 45% dân số) và vùng thủ đô Hà nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Từ đó, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã nhấn mạnh về việc tổ chức không gian đô thị, vùng thủ đô. Theo ông Chính, vùng thủ đô Hà Nội cần phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung, liên kết không gian giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh xung quanh.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được kế hoạch quy hoạch thủ đô, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng đã đến lúc cần xây dựng chế độ dự trữ đất đô thị và nhanh chóng mở rộng việc áp dụng nó vào phát triển đô thị, nhất là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý thực hiện quy hoạch đô thị.

Việc áp dụng chế độ dự trữ đất sẽ tránh được tình trạng giá đất bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi vẫn không làm hài lòng người dân mất đất. Nhờ đó, các dự án bất động sản có thể khởi công và kết thúc đúng hạn mà không bị cản trở vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ, khiếu kiện kéo dài.

Bên cạnh đó, theo ông Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, quỹ đất dự trữ là những nguồn lực cơ bản tạo động lực cho phát triển đô thị, có quỹ đất để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

"Việt Nam cần có giải pháp quản lý đất đang được lập quy hoạch cũng như quy hoạch đã được phê duyệt, bởi nếu không sẽ có sự đầu cơ dẫn đến việc một số cá nhân thu được siêu lợi nhuận từ việc đầu tư đất, ngược lại một số cá nhân bị thiệt thòi do đất bị thu hồi", ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói.
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo ưu tiên tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phân khu để có thể triển khai rà soát, khớp nối các dự án và thực hiện dự án đầu tư ngay sau khi Quy hoạch chung của thủ đô được Chính phủ phê duyệt.

Trong tổng số 744 dự án, đồ án được rà soát có một phần lớn nằm trong khu vực phía Tây của Hà Nội, trong đó có nhiều dự án đã được Thủ tướng cho phép triển khai đợt 1 với 244 đồ án, dự án, quy mô gần 9.600 héc ta.

“Ngân sách đô thị sẽ thu được phần lớn lợi ích mà tài nguyên đất đai đem lại chứ không để giới kinh doanh bất động sản kiếm được siêu lợi nhuận từ kinh doanh đất và một số quan chức sa vào tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, khiến các hộ bị thu hồi đất và người dân bất bình. Với lợi nhuận thu được từ dự trữ đất, chính quyền đô thị có thể giúp đỡ các hộ nghèo cải thiện điều kiện ở và tiếp cận các dịch vụ hạ tầng”, ông Liêm nói.

Cafeland.vn - theo TBKTSG

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland