|
GS. Đặng Hùng Võ. Ảnh: Nguyễn Lê |
Thưa ông, trong tháng 9, hưởng ứng chương trình giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Vậy, điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường BĐS?
Tôi cho rằng, điều đó cũng động viên được một phần nhất định. Thế nhưng, theo tôi việc dùng một quyết định hành chính để hạ lãi suất tín dụng tức là tác động vào một lãi suất mang tính kinh doanh, có lẽ hiệu quả ngay lập tức là không cao, mà có khả năng dẫn tới người tiêu dùng không muốn gửi tiền tiết kiệm nữa thì sẽ giảm khả năng gửi vào các ngân hàng thương mại.
Có lẽ, thị trường BĐS cũng không ảnh hưởng nhiều vì vốn của thị trường BĐS cũng chưa được nhận từ luồng tín dụng vào. Nếu luồng tín dụng tăng thì thị trường BĐS mới có khả năng được nhận một số, còn nếu luồng tín dụng giảm thì thị trường BĐS cũng không có khả năng nhận luồng tín dụng này trong hoàn cảnh hiện nay.
Do đó, thị trường BĐS vẫn nên tính tới chuyện tìm vốn từ tiền tiết kiệm của dân, từ tiền nhàn rỗi đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như từ nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) để có thể hợp tác kinh doanh, tạo được nguồn vốn hợp lý cho thị trường.
Thị trường BĐS vẫn nên tính tới chuyện tìm vốn từ tiền tiết kiệm của dân, từ tiền nhàn rỗi đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Lê
Giữa vốn và niềm tin, theo ông thị trường BĐS hiện nay cần điều gì hơn?
Tất nhiên, thị trường hiện nay đang rất cần vốn. Lý do cơ bản là để kiềm chế lạm phát nên việc nâng giải pháp tín dụng để giảm cung tiền ra, hệ quả đương nhiên làm thị trường BĐS thiếu vốn.
Bên cạnh đó, ngoài việc giải quyết các nguồn vốn khác ngoài nguồn tín dụng là có khả năng như: tiền dự trữ trong dân, tiền tiết kiệm, thậm chí tiền có khả năng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ mang tính chất của người tiêu dùng.
Theo đánh giá ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì lượng tiền đó còn khá nhiều, kể cả phía Nam. Nhưng, hiện nay nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ và người tiêu dùng chưa tin vào thị trường, chưa tin vào một ngày sớm nhất thị trường BĐS có thể ấm lại nên chưa động viên được luồng tiền này đầu tư vào thị trường.
Chính vì thế, chúng ta rất cần có niềm tin để có thể khơi được nguồn vốn từ nhà tiêu dùng, nhà đầu tư nhỏ lẻ để đưa vào thị trường. Tôi cho rằng, đây là một trong những luồng vốn giúp giải quyết việc thiếu vốn cho thị trường.
Sự trầm lắng vừa qua có thể giúp cho thị trường BĐS minh bạch hơn không, thưa ông?
Theo tôi, thị trường trầm lắng mọi người có lẽ loay hoay đi tìm vốn nhiều hơn là tính tới khả năng minh bạch. Tất nhiên, lúc này các cơ quan quản lý có thể có điều kiện rà soát lại chính sách, tìm cách để có thể đưa ra những chính sách minh bạch hóa thị trường có hiệu quả hơn.