11/01/2013 1:19 PM
Trong Hiến pháp 1992 không có cụm từ “thu hồi đất” nào. Tuy vậy, Luật Đất đai 1993 có quy định về thu hồi đất tại các Điều 26 và 27 nhưng không có việc thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế...

Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã gây chấn động lớn trong xã hội. Sau hơn 1 năm vẫn chưa được giải quyết, ngày 6.1.2013 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao “phải nghe lại” toàn bộ vụ việc “gây hậu quả nghiêm trọng” này. Vụ thu hồi đất tại Văn Giang (Hưng Yên) cho Dự án Ecopark cũng nghiêm trọng không kém... Theo tôi, thủ phạm chính là việc Nhà nước thu hồi đất.

Trong Hiến pháp 1992 không có cụm từ “thu hồi đất” nào. Tuy vậy, Luật Đất đai 1993 có quy định về thu hồi đất tại các Điều 26 và 27 nhưng không có việc thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế; Luật Đất đai 2003 quy định thu hồi đất tại các Điều 38, 39 và Điều 40 quy định về việc thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế.

Ông Đặng Hùng Võ gặp gỡ người dân Văn Giang về việc thu hồi đất Dự án Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên).

Giới chuyên môn đã tranh luận nhiều về khái niệm “thu hồi đất” mà theo họ lẽ ra phải là “trưng mua đất”. Việc trưng mua đất vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là hợp lý, nhưng cho mục đích phát triển kinh tế thì không thể (nói chi đến thu hồi) và họ có lý khi nghi ngờ tính hợp hiến của quy định đó.

Theo Thanh tra Chính phủ, từ 2003 - 2010 đã có hơn 851.000 khiếu kiện về đất đai, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế.

Thanh tra Chính phủ không công bố số vụ khiếu kiện đất đai theo từng năm, nhưng tôi chắc số vụ tăng nhanh từ sau 2003 và đó có lẽ là bằng chứng thuyết phục về nguyên nhân chính của các vụ khiếu kiện đất đai: Chính là quy định “thu hồi đất” cho mục đích phát triển kinh tế.

Thay cho việc tìm cách giải quyết tận gốc rễ vấn đề, Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã “hợp hiến hóa” việc thu hồi đất. Điểm 3 Điều 58 của dự thảo nêu rõ: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Hợp hiến hóa việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế sẽ không làm giảm mà ngược lại chỉ làm tăng các vụ khiếu kiện. Bởi các cơ quan nhà nước có thể mạnh tay hơn trong việc thu hồi đất do đã được hợp hiến hóa. Bởi sự hợp hiến hóa này sẽ khuyến khích các nhóm lợi ích thúc đẩy việc thu hồi đất, làm tổn hại đến lợi ích của số đông người dân.

Không giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu đất đai, không thay sở hữu toàn dân bằng sở hữu nhà nước đối với phần lớn đất, mà vẫn cho phép Nhà nước thu hồi đất cho “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” như dự thảo, hợp hiến hóa việc thu hồi đất, thì các vụ khiếu kiện đất đai sẽ còn tăng lên và có nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Hiến pháp do nhân dân quyết định. Liệu nhân dân có trao quyền thu hồi đất cho Nhà nước hay không?

Theo Nguyễn Quang A (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.