Theo Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, ngày 5/11/2013, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hầu hết đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với dự thảo và cho rằng, Ủy ban DTSĐHP đã kịp thời nghiên cứu, giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân.
Đáng chú ý, về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4), tuyệt đại đa số ý kiến tán thành với quy định tại điều này. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại về câu chữ, cách thể hiện; có ý kiến đề nghị thay quy định Đảng “chịu trách nhiệm về những quyết định của mình” bằng quy định Đảng “chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình”.
Vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình. Nhưng quy định Đảng “chịu trách nhiệm về những quyết định của mình” như dự thảo là cụ thể và rõ hơn trách nhiệm của Đảng trước nhân dân và dân tộc. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như đã thể hiện trong Dự thảo.
Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp (khoản 3 Điều 51), cùng với việc bổ sung cụm từ “doanh nhân”, có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nghiệp vào khoản 3 Điều 51. Ủy ban DTSĐHP tán thành với ý kiến nêu trên và thấy rằng, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và thể hiện tại khoản 3 Điều 51 của dự thảo.
Một vấn đề rất được nhân dân quan tâm là quản lý đất đai, có ý kiến đề nghị bỏ từ “quy hoạch” vì quy định “quản lý đất đai theo pháp luật” đã bao quát cả vấn đề quy hoạch. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho được tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý lại khoản 1 Điều 54 như dự thảo.
Trong thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 54 nội dung “được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt” trước cụm từ “vì mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia...”, có ý kiến băn khoăn về cụm từ “thật cần thiết” trong các trường hợp thu hồi đất vì rất khó xác định.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, để tránh lạm dụng và hạn chế việc thu hồi đất tùy tiện, Hiến pháp chỉ quy định nguyên tắc về thu hồi đất và các trường hợp được thu hồi đất; còn thẩm quyền xem xét, phê duyệt, quyết định cụ thể và xác định như thế nào là trường hợp “thật cần thiết” để thu hồi đất thì sẽ do Luật đất đai quy định. Do đó, Ủy ban DTSĐHP xin phép Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất như dự thảo.
Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111), dự thảo quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Cách quy định như vậy một mặt cơ bản giữ ổn định mô hình tổ chức của chính quyền địa phương hiện hành. Mặt khác, tạo điều kiện cho việc tiếp tục đổi mới, tạo cơ sở hiến định cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương sau khi có kết quả tổng kết, đánh giá việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và bước đầu thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở một số địa phương…
Hiến pháp mới nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).