Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo quy định đơn giá thuê đất hằng năm được tính theo tỉ lệ % nhân với giá đất.
Theo đó, quy định tỉ lệ xác định đơn giá thuê đất chung là 1%. Đối với đất đô thị, trung tâm thương mại-dịch vụ… dự thảo giao UBND tỉnh quy định tỉ lệ, nhưng không được vượt quá 3%. Còn với những vùng có điều kiện KTXH khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, Bộ đề xuất không quy định tỉ lệ.
Đồng thời, dự thảo quy định trường hợp các dự án có hệ số sử dụng đất cao hoặc ở vị trí trung tâm có khả năng sinh lợi cao thì giá khởi điểm để đấu giá có thu tiền sử dụng đất sẽ do UBND tỉnh quyết định.
Góp ý với dự thảo, ông Tạ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho rằng tỷ lệ 3% áp cho những thành phố lớn như TPHCM là khá cao, chưa phù hợp với người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong dự thảo quy định khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở sẽ không thu tiền sử dụng đất mà tính theo phần chênh lệch. Tuy nhiên, hiện nay đất nông nghiệp không phải nộp tiền sử dụng đất vì thế sẽ không tính được phần chênh lệch.
Theo ông Vinh, nên quy định thu tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất và quy định cụ thể trường hợp nào áp theo bảng giá đất, trường hợp nào do UBND tỉnh quy định mức giá cụ thể. Ngoài ra, các quy định hỗ trợ tái định cư cũng cần được nêu rõ trong nghị định để tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng trong các dự án.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Nam Long cho rằng công thức tính tiền sử dụng đất trong dự thảo là chưa khả thi khi giá đất cụ thể, chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí vốn khấu trừ, chi phí đền bù được phê duyệt vẫn còn là “ẩn số” đối với các nhà đầu tư như hiện nay.
Do vậy, dự thảo cần đưa ra tỉ lệ điều tiết (áp dụng như thuế) cụ thể để tính tiền thuê đất. Theo đó, khu vực nào muốn khuyến khích phát triển thì giảm tỉ lệ này xuống. Khu vực nào muốn khống chế thì tăng tỉ lệ lên cho phù hợp với vị thế của các dự án và vị trí đất.
Ông Quang cho biết thêm, chính vì việc tính tiền sử dụng đất chưa hợp lý còn khá cao và mang tính bình quân nên hiện nay ở TPHCM còn tồn đọng cả chục ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì người dân, doanh nghiệp không có đủ tiền đóng nghĩa vụ tài chính, từ đó làm cho nhiều dự án dang dở không triển khai được.
Về thời hạn nộp tiền sử dụng đất, đại diện Sở Tài chính TPHCM đề xuất được áp dụng trong thời gian 180 ngày thay vì 90 ngày như quy định hiện nay.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải nộp 50% tiền sử dụng đất trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận thông báo của cơ quan thuế. Số còn lại sẽ thanh toán hết trong 90 ngày còn lại.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, hiện Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê mặt đất, mặt nước. Các ý kiến góp ý sẽ được tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ xem xét vào ngày 15/4 tới.