Hầu hết các ĐB trong sáng nay (18.6) đều nêu thực trạng lãng phí, từ việc sử dụng ôtô công cho đến những dự án bất động sản bỏ hoang, những dự án ''treo'', những công trình thi công dang dở rồi để đấy, thi công quá chậm...
Xây dựng luật chưa đi đúng hướng
Với các đặt vấn đề lãng phí hiện nay hậu quả của nó không kém gì tham nhũng, tuy nhiên để tránh hiện trạng này, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì việc xây dựng dự án luật này đã không đi đúng hướng. Theo ĐB Cường, nguyên nhân là trước khi xây dựng dự luật chúng ta chưa có tổng kết luật hiện hành. Ví dụ, những quy định nào của luật hiện đang bất cập cần sửa đổi, hoặc không bất cập nhưng vẫn không thực hiện được và đâu là nguyên nhân. ĐB cho rằng, căn cứ để xây dựng luật đã không làm được điều đó nên hậu quả là dự luật đã không bắt đúng bệnh.
Việc công khai thực hành tiết kiệm của người đứng đầu đã được quy định, tuy nhiên, theo ĐB Cường, luật hiện hành vẫn chưa làm rõ được thời gian nào công khai, công khai ở đâu và nếu không thực hiện thì trách nhiệm thế nào. Do đó, hầu hết việc công khai vẫn mang tính hình thức. Đây cũng là nội dung được nhiều ý kiến đề cập đến.
Một công trình đang xây dựng thì bỏ hoang, thành "bãi đáp" của con nghiện. Ảnh: Dân Trí
Ví dụ, ngay trong dự thảo có nêu 4 hình thức công khai và cho vị đứng đầu tự chọn thì người đứng đầu sẽ chọn hình thức nào đỡ công khai nhất. Do đó, đã có ý kiến cho rằng, cần quy định cần phải công khai trên mạng Internet tất cả những gì không phải tài liệu mật. Điều này cũng phù hợp với quy định để người dân, các tổ chức xã hội có điều kiện thực hiện quyền giám sát.
Mặt khác, có những ý kiến cho rằng cần phải có những chế tài cụ thể nếu như người đứng đầu phê duyệt những dự án ''treo'', hoạch định định hướng không đúng… để quy định trách nhiệm với người đứng đầu, bởi đây mới là sự lãng phí khủng khiếp. Chính trong những vấn đề cụ thể này, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) còn cho rằng, ẩn sau đó là biểu hiện của lợi ích nhóm.
Lãng phí từ quy hoạch
Về thực trạng lãng phí, ĐB Lê Văn Tân đưa ra những ví dụ rất cụ thể. Đó là quy hoạch cảng biển, sân bay có rất nhiều lãng phí. ĐB đưa ra ví dụ, không chỉ là những sân bay nội địa mà ngay cả hai sân bay quốc tế chỉ cách nhau… có 100km (!), trong khi tần suất bay rất thấp. ĐB Tân cho rằng thực trạng đầu tư dàn trải hiện nay cũng rất lãng phí.
Tiếp đó, có nhiều đại biểu nêu thực trạng lãng phí trong đào tạo; như nhiều trường ĐH được mở ra nhưng không thu hút được sinh viên, mà khi sinh viên ra trường rồi thì không có việc làm. Do đó, có ĐB cho rằng đây là sự lãng phí kép bởi không chỉ tốn cả công sức của các thầy, các trò mà tốn rất nhiều tiền của của xã hội.
Đề cập đến khía cạnh khác, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bức xúc, ở cấp huyện, có những trường hợp hàng ngàn tỉ đồng tiêu dùng không đúng, nhưng lại không được xuất toán; hoặc đấu thầu lại quá quan tâm đến giá đấu thầu, trong khi yếu tố năng lực thực sự của các nhà thầu lại ít được quan tâm, hậu quả là công trình không đảm bảo chất lượng, thời gian thi công kéo dài thời gian gây tốn kém, lãng phí…
Nhiều ĐB cho rằng, trong phát hiện lãng phí hiện nay, vai trò đóng góp của báo chí rất lớn. Tuy nhiên, ĐB Cường cho rằng trong dự luật này chưa nêu rõ được quyền, trách nhiệm của báo chí.