Mỏi mắt nhìn... ruộng bỏ hoang
Gia đình ông Lê Văn Mùi, ở thôn Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, có 11 khẩu, trong đó có 7 lao động chính được giao gần 6 sào ruộng canh tác. Năm 2006, gia đình ông Mùi bị thu hồi 3 sào đất nông nghiệp. Kể từ khi bị thu hồi đất sản xuất, cuộc sống gia đình ông Mùi đang ngày một khó khăn.
Không riêng gia đình ông Mùi, 13.648 hộ dân ở 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoài Đức bị thu hồi đất nông nghiệp cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Hiện tại, huyện Hoài Đức mới xét duyệt trên giấy được 12.176 hộ nằm trong danh sách hưởng chính sách đất dịch vụ, đạt gần 90%. Trong đó, 6 xã (An Khánh, An Thượng, Lại Yên, Song Phương, Đắc Sở, Vân Canh) đã hoàn thành công tác xét duyệt; 6 xã, thị trấn (Đức Thượng, La Phù, Di Trạch, Vân Côn, Kim Chung, thị trấn Trạm Trôi) vẫn chưa hoàn thành việc xét duyệt. Trong số hơn 12.000 hộ ở các xã, thị trấn lập hồ sơ trình Hội đồng thẩm định của huyện thì có 7.721 trường hợp đã được xét duyệt, 4.283 hộ đang trong quá trình xét duyệt. Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, có 3.963 hộ trên địa bàn đủ điều kiện được giao đất dịch vụ và UBND huyện Hoài Đức đã thông báo tới 2.422 hộ, các trường hợp còn lại đang tiếp tục rà soát hồ sơ.
Ảnh minh họa
Tình trạng chậm trễ trong giải quyết đất dịch vụ, khiến người dân huyện Hoài Đức không khỏi bức xúc. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều hộ dân đã kiến nghị nhưng lãnh đạo huyện, xã khất lần khất lượt, chờ mỏi mắt chưa thấy thực hiện. Trong khi hàng nghìn hộ dân không còn đất sản xuất, chịu cảnh thất nghiệp và chưa được giao đất dịch vụ, thì tại xã Song Phương hàng nghìn mét vuông đất bờ xôi ruộng mật thu hồi để xây dựng đô thị bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm?
Chưa "gỡ" được vướng mắc
Lý giải về việc chậm trễ giao đất dịch vụ cho người dân, các cơ quan chuyên môn của huyện Hoài Đức viện dẫn hàng loạt khó khăn, vướng mắc về đối tượng xét duyệt, cơ chế giao đất dịch vụ hoặc một số quy hoạch mới chồng lấp lên các khu đất dịch vụ... Ông Phạm Tiếp, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, cho biết: Nhu cầu về đất dịch vụ và hạ tầng cơ sở cho các khu đất đó của Hoài Đức là 291,7ha. Tuy nhiên, đến nay huyện mới có quyết định thu hồi 155,7ha và đã giải phóng mặt bằng được 111,3ha. Để tháo gỡ khó khăn, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận với đề nghị của huyện Hoài Đức về địa điểm đối với 20 khu đất dịch vụ của các xã, thị trấn còn thiếu. Tuy nhiên, đến nay huyện Hoài Đức chưa xác định được vị trí khu đất dịch vụ tại thị trấn Trạm Trôi. Đối với 19 dự án khác liên quan đến thu hồi đất lúa, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khá phức tạp, không thể thực hiện nhanh được. Đặc biệt, cơ chế và hạn mức giao đất cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp được hưởng chính sách đất dịch vụ trên địa bàn huyện Hoài Đức khá phức tạp. Hiện huyện còn 4 dự án (Cụm công nghiệp An Ninh, xã Lại Yên; Cụm công nghiệp An Khánh, xã An Khánh; Trường bắn quốc gia tại xã Di Trạch và Trung tâm Lưu mẫu tại xã Kim Chung) với diện tích hơn 45ha, liên quan đến 1.430 hộ dân bị thu hồi đất chưa được thành phố chấp thuận cơ chế giao đất dịch vụ, bởi các quyết định thu hồi đất trước năm 2006 - thời điểm Nghị định 17 của Chính phủ chưa ra đời. Do chưa được xem xét hưởng chính sách đất dịch vụ nên người dân phản ứng gay gắt. Chưa hết, trước đây, người dân được giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP diện tích lớn, sau đó các hộ chia cho con canh tác ổn định, nhưng chưa làm thủ tục tách hộ theo luật định. Về nguyên tắc, hạn mức giao cho các hộ này chỉ được giao 150m2 đất dịch vụ. Trong khi đó, có khoảng 1.746 hộ, diện tích thu hồi gần 92,4ha và có nhiều hộ bị thu hồi 1.500-3.000m2 cũng chỉ được giao 150m2 đất dịch vụ một hộ, liên tiếp đến các cơ quan chức năng đòi hỏi quyền lợi.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, UBND huyện Hoài Đức đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung đôn đốc giải phóng mặt bằng đối với các dự án có quyết định thu hồi đất; tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ; đẩy mạnh xét duyệt phương án giao đất dịch vụ cho nhân dân; đồng thời, lập hồ sơ tiếp tục đề nghị thành phố thu hồi diện tích đất trồng lúa...