Ông Trương Ngọc Hiệp – Phó Chi cục thuế quận Bình Thạnh |
Tâm sự buồn
Ngày 6-7-2012, UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Theo đó, hệ số tính thuế đất từ 3,5- 4,5. Hệ số K được tính theo công thức: Lấy giá đất thị trường chia cho giá đất theo bảng giá do tỉnh, thành ban hành hằng năm. Cơ quan thuế sẽ lấy hệ số K nhân với giá đất của nhà nước quy định thì ra giá tiền/mét vuông mà người dân phải đóng phí. Sau khi có hiệu lực, quyết định này đã làm người dân bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, một người dân ở quận Thủ Đức tỏ bày: “Tôi được thừa kế từ cha mẹ miếng đất rộng hơn 250 mét vuông. Nay đi làm chuyển mục đích sử dụng, tôi mới hoảng hồn vì phải đóng phí gần cả tỉ đồng, tôi lấy đâu ra số tiền lớn như thế?”. Chung nỗi lòng với bà Thu, anh Tống Minh Thành (35 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) cho biết, vì quyết định 28 mà mỗi mét vuông đất trước đây anh chỉ đóng khoảng 1,230 triệu đồng thì nay, đóng gấp bốn lần, nghĩa là mỗi mét vuông phải đóng gần năm triệu. Với diện tích vượt quá quy định 40 mét vuông, anh phải đóng 200 triệu đồng. Theo anh Thành, hàng xóm của anh có diện tích đất lớn hơn quy định 200-300 mét thì phải đóng hơn một tỷ đồng tiền phí sử dụng đất. Nhiều người dân tại quận 8, huyện Nhà Bè không đủ tiền đóng phí nên xin viết giấy nợ hoặc xin hủy hồ sơ mới và giữ lại giấy tờ ban đầu.
Tại nơi đóng thuế đất tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, dù bị cúp điện đột ngột từ 14 giờ chiều nhưng lượng người đến tìm hiểu thông tin về giảm hệ số K vẫn rất đông. Anh Nguyễn Tiến Mạnh (54 tuổi, ngụ P13) sầu giọng: “Tôi có một căn nhà một trệt, một lầu, diện tích xây dựng 170 mét vuông, diện tích trên đất là 90 mét vuông nhưng phải đóng thuế đất gần 100 triệu đồng để làm sổ hồng. Theo quy định cũ, tôi xin nợ thuế. Mấy hôm nay, nghe tiền thuế đất sẽ giảm nên cả nhà tôi rất mừng, chiều nào tôi cũng lên đây để đón nhận thông tin mới chứ giá cũ thì tiền đâu mà đóng!”.
Bên trong, tại quầy 5, 6, 7 và 8, cán bộ thuế phải chong đèn để giải quyết hồ sơ cho dân vì mất điện. Chủ yếu là người muốn bán nhà gấp gáp nên mới chấp nhận đóng tiền thuế đất cao, còn lại người dân đang chờ thông tin “giảm giá”. Ông Trương Ngọc Hiệp - Phó Chi cục thuế quận Bình Thạnh - cho biết, cách đây hơn một tuần, ông đã tham gia cuộc họp với Sở Tài chính và ngành thuế toàn thành phố để đề nghị giảm hệ số K. Đối với các quận ven như: Bình Thạnh, Phú Nhuận... hệ số K được “kéo” từ 2 xuống 1,5. Tại các quận này chủ yếu là đất vượt hạn mức (hơn 160 mét vuông). Chẳng hạn, diện tích đất 162 mét vuông thì người nộp phí phải nộp thuế cho hai mét vượt quy định. Nhiều trường hợp vừa qua, cơ quan thuế đã cho người đóng thuế ghi nợ trong năm năm. Trong thời gian này, nếu hệ số K được điều chỉnh thì người dân sẽ rất phấn khởi.
Người dân ai cũng mong muốn nhà đất của mình sớm được chính quyền cấp sổ đỏ, tuy nhiên mức phí, thuế phải hợp lý, không thể quá cao khiến họ không có khả năng đóng nổi. (Ảnh minh họa của CTV)
Ông Dương Hồng Thắng - Phó Chủ tịch quận Bình Thạnh, phụ trách kinh tế - cho biết, quận này đã cấp nhiều giấy chứng nhận (GCN) nhưng các trường hợp hiện nay là vượt hạn mức quy định. Việc hệ số K giảm xuống, ngân sách nhà nước sẽ thu được thuế tốt hơn thay vì việc người dân nợ thuế như theo quyết định 28. Người dân tại quận rất phấn khởi vì nguồn gốc đất chủ yếu là do ông bà để lại, nếu không đóng được thuế đất thì không thể chia cho các con.
Bà Trần Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cũng cho biết, thời gian qua, tại quận cửa ngõ của thành phố, người dân đóng thuế đất cũng ghi nợ rất nhiều. Hiện Chi cục thuế 24 quận, huyện đang mỏi mòn chờ chỉ thị của Sở Tài chính để giảm tiền thu phí cho người dân. Tương tự, một cán bộ của phòng quản lý đô thị (UBND Q1) cũng xác nhận điều này.
Về vấn đề nợ phí sử dụng đất, ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng phòng đăng ký (Trung tâm Đăng ký quyền sử dụng đất) - cho biết thêm: “Người dân chưa có tiền đóng phí thì có thể nợ nhưng nếu để thời gian quá lâu, quá thời hạn cho nợ, giấy chứng nhận có thể bị huỷ. Dân có đất, có nhà ở nhưng không có giấy tờ nên không thể thực hiện được bất cứ giao dịch nào thì thiệt thòi lắm. Do đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở là rất quan trọng”.
Với nhiều người dân nghèo, sở hữu trong tay GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà là một niềm mơ ước. Thế nhưng, hiện nay, nhiều người lại trả lại GCN cho chính quyền hoặc cho GCN “ở đợ” ở cơ quan nhà nước. Nguyên nhân chỉ vì họ không đủ tiền nộp phí sử dụng đất. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn thành phố có gần 3.500 hồ sơ nhà, đất do cơ quan chức năng đã làm xong thủ tục cấp giấy chủ quyền nhưng người dân không đến nhận.
Nỗ lực cấp GCN
Để tháo gỡ khúc mắc về hệ số K quá cao, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho UBND thành phố giảm hệ số K. Cụ thể, hệ số K được áp dụng chung cho cả đối tượng xin công nhận và chuyển mục đích và được điều chỉnh theo từng khu vực. Khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận có hệ số K bằng 2 (so với bảng giá đất); khu vực 2 gồm: quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú hệ số K bằng 1,5; khu vực 3 gồm: Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè hệ số K bằng 1,3, riêng huyện Cần Giờ hệ số K bằng 1,1.
Những trường hợp người dân đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất theo mức cũ (theo quyết định số 28) và đã được cấp GCN quyền sử dụng đất thì không áp dụng hồi tố việc điều chỉnh hệ số K như trên. Trường hợp người dân đã lập xong thủ tục nộp tiền sử dụng đất, đã được cấp GCN quyền sử dụng đất nhưng còn ghi nợ tiền sử dụng đất; và trường hợp người dân mới nhận được thông báo đã hoàn tất thủ tục kê khai, nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp thì giao Cục Thuế TP hướng dẫn UBND các quận, huyện theo hướng hủy hồ sơ ban đầu thì được thực hiện tính lại theo mức thu mới.
Hiện nay thành phố còn 129.227 hồ sơ nhà đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (GCN). Những vướng mắc này chủ yếu nằm trong các diện đất, nhà: chuyển nhượng bằng giấy tay, tạo lập sau ngày 15-10-1993 không phù hợp với quy hoạch, vướng mắc các dự án phát triển nhà, lấn chiếm, tự chuyển mục đích sử dụng, tranh chấp, thừa kế... Để tháo gỡ những vướng mắc này, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các quận huyện phải xem xét từng trường hợp hộ gia đình cụ thể để kịp thời giải quyết cho dân.
Chủ trương của UBND thành phố là đẩy nhanh, mạnh việc cấp GCN cho dân và dự định đến 30-9-2013 việc cấp GCN phải cơ bản hoàn thành. Để tạo đà cho mục tiêu đó, việc giảm mức phí sử dụng đất xuống gần một nửa so với trước đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng chính quyền luôn đồng lòng, gắng sức tháo gỡ khó khăn cho người dân. Chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn và thực hiện việc giảm hệ số K bởi đó là vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay.