Phá băng BĐS: Nên làm ấm từng phần
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua? Kỳ họp QH này có cần đưa ra thêm những giải pháp hỗ trợ nữa không?
|
+ TS Trần Du Lịch: Đặc điểm tình hình năm 2012 không như năm 2009, chúng ta không đặt vấn đề có một gói giải pháp kích cầu hay hỗ trợ theo cách năm 2009 mà ta gọi là nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường, giải quyết những khó khăn nhất thời cho một bộ phận DN trong điều kiện cần chống lạm phát. Kỳ họp QH tháng 6 đã thảo luận khá kỹ, bổ sung một số đối tượng cần hỗ trợ, có giãn và giảm thuế có mức độ nào đó thôi. Tôi thấy có đề ra mục tiêu giải quyết vốn lưu động cho DN, giảm hàng tồn kho nhưng tôi cho rằng các biện pháp đã áp dụng chưa có tác dụng nhiều. Chúng ta chưa giải quyết được việc kích thích tăng tín dụng lên, giảm số hàng tồn kho trong một số ngành.
Tuy nhiên, cũng phải thấy trong điều kiện thị trường năm 2012 thì ta không thể nào đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ tài khóa quá lớn được. Kỳ họp QH này cũng sẽ không đưa ra một chính sách riêng nào về tài khóa được đâu. Điều mà chúng tôi quan tâm và lo đầu tiên là vấn đề hàng tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp. Cái phải làm cho được là làm sao cho DN giải quyết được hàng tồn kho, trở lại sản xuất, không tăng số DN tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Bất động sản là kho hàng tồn lớn nhất cần được giải quyết lưu thông. Ảnh: HTD
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nhận định bất động sản (BĐS) chính là “kho hàng tồn lớn nhất” với khoảng 1 triệu tỉ đồng dư nợ ngân hàng. Vậy để giải quyết chuyện này thì cần những giải pháp gì hay là sẽ để DN tự “tiến hóa”, thưa ông?
+ Kinh nghiệm thế giới cho thấy sự đóng băng BĐS không thể xử lý một sớm một chiều. Vấn đề BĐS lại liên quan đến nợ xấu ngân hàng, tôi đã có đề nghị làm ấm từng phần chứ chưa thể phá băng được. Phân khúc thị trường nào mà BĐS có thanh khoản thì nên mở rộng tín dụng để phần đó ấm lên, ví dụ phân khúc nhà 500-700 triệu đồng/căn hộ, một số công trình đang dở dang mà có khách hàng… cần làm ấm thì làm, đừng để vì thiếu vốn lưu động mà nó phải chết.
Tôi cho rằng cách kinh doanh BĐS cần được phân loại lại. Cách ra đời quá ồ ạt, làm ăn quá dễ dãi, theo phong trào, nay phải để thị trường tự điều tiết một phần, những anh làm ăn không chuyên nghiệp, theo thời vụ phải thay đổi.
Tôi tin sau đợt này, thị trường tự điều tiết lại, giảm đi số DN không chuyên, hình thành những nhóm công ty BĐS chuyên nghiệp hơn.
Cho vay nợ để đòi nợ
Một nút thắt của nền kinh tế hiện nay là vấn đề nợ xấu, ông sẽ đưa ra ý kiến gì trong kỳ họp QH này?
+ Tôi đã có mấy đề xuất. Đầu tiên là các ngân hàng thương mại có trách nhiệm trích lập dự phòng, không được giấu nợ xấu. Hiện nay có những con số khác nhau giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương về tỉ lệ nợ xấu, cho thấy có điều gì đó không ổn về con số này. Cần phải xem theo tiêu chí Việt Nam của ngân hàng trung ương thì con số đó hiện là bao nhiêu? Sau khi xác định được tỉ lệ này thì các ngân hàng thương mại có trách nhiệm trích lập, thậm chí lấy lợi nhuận ra mà trích lập, cắt giảm lương mà trích lập thì cũng phải làm.
Thứ hai, một số ngân hàng thương mại phải nghĩ đến kiểu “cho vay nợ để đòi nợ”. Hiện có những DN có triển vọng phát triển kinh doanh nhưng chỉ vì nợ xấu mà anh không cho vay tiếp thì nó sẽ chết, nó chết thì anh cũng đâu có đòi được nợ! Vì vậy anh nên khoanh nợ, cho vay mới, đừng để nó chết.
Thứ ba, tôi có đề nghị phải có chiến lược dài hơi hơn để xử lý nợ xấu ngân hàng. Các công ty mua bán nợ của ngân hàng thương mại đã không kham nổi rồi, thì cần phát huy vai trò của công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính, cần thiết thì lập công ty mua bán nợ quốc gia.
Về vấn đề công ty mua nợ xấu, thời gian qua đã có nhiều ý kiến phản đối ý tưởng này và cho rằng tiêu tốn tiền cứu ngân hàng chứ không phải cứu DN, thưa ông.
+ Chúng tôi không đặt vấn đề giải quyết nợ xấu là cứu ngân hàng hay cứu DN. Chúng ta không cứu ngân hàng, không cứu DN mà là vì nền kinh tế. Nếu không giải quyết được nợ xấu thì nền kinh tế không hấp thụ được vốn, dẫn đến nguy cơ bất ổn cả nền kinh tế. Trong nền kinh tế có ngân hàng, có DN.
Xin cảm ơn ông.