27/12/2011 12:36 AM
Năm 2011, trên địa bàn TPHCM xảy ra 33 vụ việc khiếu nại đông người liên quan đến công tác thu hồi đất thực hiện 18 dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đáng chú ý có nhiều vụ việc phát sinh từ phía chủ đầu tư dự án đã thiếu công khai, lắng nghe và quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân.
Né tránh, đùn đẩy

Hơn một tháng nay, 83 hộ dân tại khu chung cư 5 tầng thuộc Dự án 1bis-1kép Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao quận 1 gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng cho rằng phía chủ đầu tư - Công ty TNHH Một thành viên Phát triển nhà Bến Thành không trả lời các vướng mắc của người dân về đơn giá bồi thường, tái định cư.


Theo ông Đinh Quang Huống (1kép/2A Nguyễn Đình Chiểu), hầu hết hộ dân khu chung cư đều thuộc diện bị giải tỏa, thu hồi đất chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cách nay 12 năm. Năm 2001, trở về sinh sống tại căn hộ tái định cư trong chung cư, ai nấy đều mong sẽ được ổn định cuộc sống lâu dài. Thế nhưng, từ đó đến nay, không hộ nào được cấp giấy chủ quyền nhà như cam kết trong hợp đồng mua bán nhà và cũng không ai nhận được khoản bổ sung tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại theo Quyết định 86 năm 2001 và Quyết định 124 năm 2005 của UBND TPHCM.


Đến nay, các hộ dân trên lại bị giải tỏa thêm lần nữa với mức đền bù quá thấp. Theo ông Huống và các hộ dân tại đây, những vấn đề trên đã không được chủ đầu tư gặp gỡ, lắng nghe và giải thích thấu đáo để có cách giải quyết tốt nhất.


Giải quyết khiếu nại đông người - Hướng đến lợi ích của dân

Một khu nhà trong chung cư 1bis - 1kép Nguyễn Đình Chiểu bị giải tỏa với giá đền bù chưa hợp lý. Ảnh: HOÀI NAM


Tại Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp), Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), khu nhà cao tầng phường 22 và chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Khu tứ giác Bến Thành (quận 1), Khu đô thị Sing-Việt (huyện Bình Chánh)…, nội dung khiếu nại của người dân chủ yếu về giá đền bù và hỗ trợ tái định cư. Người dân bức xúc hơn khi những vấn đề mà họ đưa ra bị cơ quan chức năng và chủ đầu tư né tránh, tìm cách “đẩy” lên cấp trên hoặc chưa tiếp xúc, đối thoại theo quy trình giải quyết khiếu nại nhưng đã ra quyết định cưỡng chế.


Trong đó, phải kể đến trường hợp của 20 hộ dân thuộc Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch, quyết định cưỡng chế được thực hiện trong thời điểm các cơ quan chức năng đang giải quyết đơn khiếu nại và trước đó việc triển khai dự án, chính quyền địa phương đã bỏ qua nhiều bước của Quy trình phối hợp phòng ngừa và xử lý những trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người do UBND TPHCM ban hành ngày 23-7-2007. Đây được cho là mấu chốt của vấn đề, làm cho nhiều vụ việc khiếu nại đông người trở thành phức tạp, kéo dài và khó giải quyết.


Phải bắt đầu từ gốc


Theo Thanh tra TPHCM, nhiều vụ việc khiếu nại đông người thời gian qua có tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp, hình thành các điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân. Công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người ở một số quận huyện chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền, cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan đến chủ trương thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. UBND các phường-xã-thị trấn chưa phối hợp giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ở cơ sở, làm cho bức xúc của một số ít hộ dân trở thành vấn đề phức tạp của nhiều người.



Tại hội thảo góp ý về xây dựng Quy trình phối hợp phòng ngừa và xử lý khiếu nại, tố cáo đông người do Thanh tra TPHCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, một số chính sách pháp luật, nhất là về đất đai, nhà ở chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của nhiều dự án chưa chú trọng đến quyền lợi của người dân; giá bồi thường quá thấp so với thị trường và có sự khác biệt trong việc bồi thường giữa các dự án…


Theo ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng Pháp chế Thanh tra TP, nhằm hạn chế các vụ việc khiếu nại đông người, trước tiên cần chú trọng công tác phòng ngừa, hạn chế, khắc phục nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, bởi một khi khiếu nại lan rộng thì việc giải quyết chỉ là cái ngọn, vừa mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, vừa làm giảm lòng tin của nhân dân với Nhà nước.


Do vậy, quá trình xây dựng chính sách, triển khai các dự án đầu tư vừa phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư, nhưng cũng phải hết sức quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.


Theo Thanh tra TP, việc lập phương án giải tỏa, bồi thường và tái định cư của mỗi dự án phải trên cơ sở điều tra, khảo sát, đo đạc chính xác và phải được công khai trước dân, để người dân tham gia ý kiến trước khi trình các cơ quan thẩm quyền ký ban hành. Có như vậy mới tạo sự đồng thuận cao giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân trong triển khai thực hiện các dự án, góp phần ngăn ngừa các vụ việc khiếu nại đông người phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Theo Hoài Nam (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.