Người giàu còn khóc
Năm 2010, chị Nguyễn Tuyết Mai (Kim Mã, Hà Nội) mua lại căn hộ thương mại ở khu Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội với giá 13,4 triệu/m2 và tổng số tiền phải nộp là 1,4 tỷ đồng, chưa kể sửa sang lại căn nhà hết 300 triệu đồng nữa.
Để có được số tiền này, chị đã vay ngân hàng 50% với kỳ hạn trả trong 10 năm, lãi suất 16%. Mức lãi này, theo chị còn là nhẹ, bởi hiện tại nếu muốn vay thì mức nhẹ nhất phải là 22%/năm.
Sinh năm 1979, chị Mai đã dùng khoản tiền tiết kiệm trong 10 năm đi làm (bắt đầu từ năm 2001 với mức lương khởi điểm 700.000 đ/tháng) để mua nhà. Hiện tại, mức thu nhập của chị là 65 triệu đồng/tháng.
“Mức thu nhập hiện tại của tôi thậm chí được coi là cao, vậy mà mua nhà còn rất chật vật, nói gì tới người thu nhập thấp” – chị Mai nói.
Hoàn
tất thủ tục đăng ký mua nhà thu nhập thấp nhưng vẫn có người
phải từ bỏ ước mơ sở hữu nhà vì không đủ tiền để nộp (Ảnh: Thái Linh)
Một con số khác cũng đáng lưu ý, trích dẫn thống kê tháng 7 về thị trường bất động sản Hà Nội của CBRE lấy nguồn từ Nielsen Việt Nam cho hay, chỉ 4% hộ gia đình ở Hà Nội có thu nhập hàng tháng trên 15 triệu đồng. Công ty này cũng đưa ra kết luận, bất động sản đang tập trung trong tay một nhóm người Hà Nội nhất định.
Đưa ra những tham chiếu trên để thấy, người TNT Hà Nội có mua được nhà ở xã hội giá rẻ vẫn còn là… giấc mơ.
Thực tế, chung cư đầu tiên dành cho người TNT của Hà Nội – CTI, Ngô Thì Nhậm, Hà Đông do Công ty cổ phần xây dựng, bê tông Vinaconex Xuân Mai đã có giá 8,9 triệu đồng/m2. Khu Kiến Hưng cạnh đó cũng cùng một chủ đầu tư đã có giá 11,6 triệu đồng/m2. Đây mới chỉ là mức giá tạm tính.
Chị Yến (tầng 12, CTI , Ngô Thì Nhậm, Hà Đông) cho biết, với những người TNT thực sự, may mắn thì bắt thăm được căn phòng có diện tích hẹp. Còn không may bắt phải căn hộ có diện tích lớn thì kiếm ra 800 triệu đồng để đóng tiền nhà cũng không đơn giản.
“Thời điểm tôi mua nhà, muốn vay tiền ngân hàng thì ngân hàng yêu cầu chứng minh thu nhập trên 10 triệu/tháng. Với mức đó chắc tôi không thuộc diện TNT nữa” – chị Yến nói và đành đi vay ngoài với lãi suất cao để đóng cho đúng hạn hợp đồng.
Ngoài mức giá cao, nhiều khoản đóng tiền theo hợp đồng mua nhà cũng gây bất lợi cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thu Huyền, một người đi mua nhà TNT tại khu Đặng Xá, Gia Lâm cho biết: Bản hợp đồng của chị với chủ đầu tư dự án Công ty Viglacera chỉ rõ, bên mua phải thanh toán hợp đồng trong 5 đợt; trong đó đến ngày 31 tháng 12, người mua sẽ phải thanh toán 70% giá trị căn nhà.
Như
vậy, chỉ trong vòng bốn tháng, khách hàng phải đóng từ 500 đến 600
triệu đồng tùy theo diện tích căn hộ, trung bình 100 triệu đồng/tháng
thì người TNT vốn không có nhiều cơ hội tích lũy khó có khả năng chi
trả.
“Người
TNT như chúng tôi không bao giờ có trong nhà 400 triệu để chủ đầu tư
gọi là tới nộp. Theo tôi tiến độ cần giãn ra từ 5 đến 6 năm, chứ với
tiến độ dày thế này với mỗi lần đóng 100 đến 200 triệu thì thực sự người
mua không có khả năng” – chị Huyền nói.
Không khó khăn để người dân làm phép so sánh, mua nhà thương mại tiến độ thanh toán còn được kéo dài tới 2, 3 năm. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân khiến trong đợt đầu bốc thăm của dự án Đặng Xá chỉ có 300 hồ sơ hợp lệ/946 căn hộ và 200 người tới bốc thăm ký hơp đồng. Đợt hai, khá hơn một chút với 400 hồ sơ hợp lệ được bốc thăm và chưa rõ số người ký hợp đồng. Sắp tới, khu nhà này sẽ được tiếp tục tổ chức bốc thăm đợt ba.
Chủ dự án đã được hưởng nhiều ưu đãi
Theo
ông Lê Ngọc Ước, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng
Viglacera, dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá nhận được nguồn vốn vay ưu
đãi, tuy nhiên dự án mới chỉ giải ngân được 10%. Công ty phải tính toán
thời gian giãn thanh toán hợp đồng của khách hàng phù hợp với thời gian
bàn giao căn hộ.
Với
trường hợp những khách hàng thanh toán hợp đồng qua vài đợt, nhưng
không còn nhu cầu, hoặc không còn khả năng thanh toán thì có thể trả lại
căn hộ đó cho chủ đầu tư theo quy định và lấy lại số tiền đã nộp trước
đó.
Về phía cơ quan quản lý, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng, cho biết: “Luật không cấm chủ đầu tư thu tiền với mật độ dày, đây là thỏa thuận hợp đồng của chủ đầu tư và khách hàng dựa trên tiến độ công trình. Tuy nhiên, với nhà TNT sẽ xem xét để có những quy định về việc này để đảm bảo lợi ích của cả hai bên”.
Ngoài
ra, về nguyên tắc thì tiền nộp tính theo tiến độ đầu tư xây dựng, nếu
người dân nộp trước thì trượt giá của vật liệu chủ đầu tư không được
tính vào giá thành.
Ông Đạm cũng cho hay, sẽ có những điều kiện quy định để ràng buộc hai bên về trách nhiệm cũng như quyền lợi.
Dù sao, các doanh nghiệp đầu tư nhà TNT đang được hưởng rất nhiều ưu đãi: miễn tiền sử dụng đất, hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng, vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, từ quỹ phát triển nhà ở, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Họ cũng được quyền huy động vốn từ người dân sau khi dự án đã hoàn chỉnh móng công trình.
Cộng với việc thị trường nhà ở thương mại đang sụt giảm, yêu cầu về giảm giá nhà TNT hơn bao giờ hết càng cần phải được xem xét lúc này./.