14/10/2012 8:53 AM
Cách đây 3 tháng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng bỏ quy định về giá trần dịch vụ chung cư để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được chấp nhận.

Theo TP Hà Nội, trong thực tế khi tiến hành xây dựng biểu giá phí dịch vụ, nhiều bên đã hiểu sai rằng, đây là giá cao nhất được thu đối với dịch vụ nhà chung cư và quyết định của UBND TP về giá dịch vụ chung cư là bắt buộc áp dụng. Chính vì vậy trên địa bàn TP thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều tranh chấp, mâu thuẫn từ việc thu phí dịch vụ chung cư.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, chung cư hiện đại vận hành khác hẳn với kiểu chung cư cũ trước đây. Khu căn hộ được vận hành quản lý theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao mang đẳng cấp quốc tế không thể duy trì bởi mức phí dịch vụ thấp.

Cần sớm bỏ quy định về giá trần dịch vụ chung cư. Ảnh TL.


UBND TP đã kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép TP công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư; đơn giá này được công bố để doanh nghiệp, các hộ dân tham khảo, thương thảo và quyết định áp dụng hoặc xây dựng giá dịch vụ theo các quy định hiện hành. Nếu kiến nghị của TP Hà Nội được Bộ Xây dựng chấp thuận, UBND TP sẽ công bố giá các loại dịch vụ hàng năm sát với thực tế hơn, giá từng loại dịch vụ sẽ thay đổi khi chi phí đầu vào như giá điện, nước, xăng... thay đổi.

Phân tích về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tình hình khiếu kiện, tranh chấp trong việc quản lý và vận hành tòa nhà chung cư có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Không chỉ do khung giá quản lý chưa được hoàn thiện và nhất trí giữa các bên, mà tranh chấp xảy ra còn do chủ đầu tư chỉ chăm chăm thu tiền mà chưa làm tốt nghĩa vụ sau bán hàng của mình. Đại diện các DN đều cho rằng, phí quản lý và dịch vụ được xác định theo chất lượng phục vụ của mỗi chung cư.

Chính khung giá chung đang khiến việc quản lý và vận hành chung cư trở nên khó khăn. Chính vì thế, khi UBND TP Hà Nội đã phê duyệt mức giá trần là 4.000 đồng/m2, các chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp tại Hà Nội cho rằng mức trần này là quá thấp so với chi phí dịch vụ mà họ đã cung cấp cho cư dân, nên đã áp mức giá cao hơn gấp 3-4 lần. Trong khi đó, cư dân lại chỉ căn cứ vào mức giá mà UBND TP ban hành để đòi quyền lợi. Điều này đã dẫn đến việc các vụ tranh chấp liên tục xảy ra.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận việc áp dụng trần phí dịch vụ chung cư sau một năm vừa qua là chưa phù hợp thực tế quản lý, song việc thay đổi là chưa thể và TP Hà Nội sẽ phải tiếp tục chờ đợi.

Theo Bộ Xây dựng, những kiến nghị của UBND TP Hà Nội về công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư hiện đang có nhiều bất cập. Trong khoản 5 Điều 50 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã quy định: “Các chi phí dịch vụ khi sử dụng nhà chung cư, kể cả phí dịch vụ trông giữ xe ô tô không được cao hơn mức giá dịch vụ do UBND cấp tỉnh quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 8 Thông tư số 37/2009/TT-BXD ngày 1-12-2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định mức thu tối đa (giá trần) hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư theo từng cấp nhà, hạng nhà chung cư, chất lượng dịch vụ và tình hình thực tế của địa phương để áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm ban hành giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư. Trên cơ sở giá trần hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư được UBND TP Hà Nội ban hành, ban quản trị nhà chung cư, các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo các quy định.

Không có bất kì phương án tư vấn nào về chuyên môn cho TP Hà Nội, Bộ Xây dựng chỉ biết “khuyên” nên chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan xác định giá dịch vụ nhà chung cư chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với ban quản trị, tổ dân phố, chủ đầu tư và các hộ dân sống tại các khu chung cư xác định giá dịch vụ nhà chung cư theo hướng công khai, minh bạch để giải quyết, xử lý các tranh chấp phát sinh.

Tuy nhiên, việc không còn mức giá trần cũng gây ra nhiều lo ngại cho người dân khi sẽ bị chủ đầu tư ép giá và quay về tình trạng như trước đây: đuối lý khi không có một cơ sở pháp lý nào để có thể dựa vào. Theo nhiều chuyên gia, nếu bỏ trần phí chung cư, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội phải có một biện pháp thay thế hợp lý, đặc biệt cần cẩn trọng trong việc ban hành khung giá hay đơn giá đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Theo Xuân Thanh (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.