UBND TP. Hà Nội đã triệu tập cuộc họp liên ngành để nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở TNT trên địa bàn TP cũng như những góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 34 của UBND TP. Hà Nội.

Xây thô chỉ 6 triệu đồng/m2


Có thể nói, việc giá căn hộ TNT là vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm bởi nếu với mức giá 13 triệu đồng /m2 thì mỗi căn hộ TNT cũng có giá hơn 1 tỷ đồng và đa phần những người có thể trả được số tiền này không còn là người có TNT trong xã hội.


Giá nhà TNT vẫn “chưa công bằng với người TNT”

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội


Trả lời chất vất của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, ông Đặng Hoàng Huy, TGĐ Vinaconex Xuân Mai cho biết, chi phí xây dựng phần thô cho mỗi căn hộ rơi vào khoảng hơn 6 triệu đồng /m2. Trong khi đó, giá mỗi căn hộ là 11,6 triệu đồng/m2. Như vậy, các chủ đầu tư đã dùng hết gần một nửa giá bán cho khâu hoàn thiện với các trang thiết bị hiện đại như mỗi tòa nhà 4 cầu thang máy, hệ thống đổ rác, cửa gỗ, tủ bếp, điều hòa, trang thiết bị trong nhà vệ sinh của Viglacera.


Đại diện Sở Xây dựng kiến nghị để cắt giảm chi phí xây dựng, về quy mô thiết kế công trình nhà TNT không nên cao quá 15 tầng và không thiết kế tầng hầm. Tuy nhiên, UBND TP cũng như đại diện các sở, ban, ngành khác thì cho rằng với tuổi thọ căn nhà lên tới 30 - 40 năm thì việc không có tầng hầm để xe là việc không thể chấp nhận được. Ông Nguyễn Văn Khôi ủng hộ việc xây dựng tầng hầm nhưng kiến nghị phía chủ đầu tư nên lập kế hoạch kinh doanh hoặc cho thuê tầng 1, tầng 2 của khu nhà TNT để bù đắp chi phí xây dựng tầng hầm.


Trong 5 dự án nhà TNT đang được Hà Nội triển khai, có dự án nhà TNT Sài Đồng (Long Biên) do CT CP Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư đưa ra giá bán tạm tính gần 13,3 triệu đồng/m2. Một trong những nguyên nhân mà chủ đầu tư giải thích cho việc đưa ra mức giá cao trội này là do Ngân hàng Phát triển Việt Nam không đồng ý cho chủ đầu tư vay vốn ưu đãi nên chủ đầu tư phải đi vay với lãi suất không ưu đãi. Khoản lãi mà nhà đầu tư phải chịu được tính vào trong giá thành xây dựng.


Tại điểm này, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, như vậy là không công bằng đối với những người có TNT. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam mới chỉ đồng ý cho hai chủ đầu tư xây dựng nhà TNT vay vốn là CT CP Bê tông & Xây dựng Vinaconex Xuân mai và Tổng công ty Viglacera.


Sẽ mở rộng thêm đối tượng


Sau một thời gian xây dựng thử nghiệm các dự án nhà TNT, đại diện các ban, ngành của TP đều ủng hộ việc mở rộng thêm đối tượng được quyền mua nhà TNT. Sở Xây dựng đề nghị bổ sung đối tượng chưa được phân đất lần nào, cán bộ nhà nước hưởng lương ngân sách làm tại các huyện có dự án nhà TNT và các đối tượng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú làm việc và đóng bảo hiểm xã hội tại TP Hà Nội 1 năm trở lên (không giới hạn địa bàn quận, phường).


Bên cạnh đó, đại diện Bộ Xây dựng tham mưu nên xem xét mở rộng đến cả đối tượng lao động có đóng bảo hiểm khoảng 9 triệu người trên cả nước chứ không chỉ xem xét đối với đối tượng hưởng lương ngân sách khoảng 2 triệu người. Hiện nay các thành phần kinh tế là bình đẳng và mở rộng đối tượng tạm trú thì nên mở rộng với cả đối tượng tạm trú đóng bảo hiểm tại cơ quan ngoài khu vực nhà nước.


Một vấn đề gây tranh cãi trong quy định đối tượng được quyền mua nhà TNT là khái niệm về hộ gia đình được hiểu theo hộ khẩu hay được hiểu là một cặp vợ chồng và con cái. Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong khi thiết kế Quyết định 67 cũng như Thông tư 36 đã quy định rằng một hộ gia đình được hiểu là tổng số người ở trong 1 địa chỉ tại 1 thời điểm. Tuy nhiên, theo quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được mua nhà ưu đãi 1 lần. Câu hỏi đặt ra là có những hộ gia đình sau khi được mua nhà ưu đãi 1 lần nhưng diện tích nhà sử dụng vẫn dưới 5m2/ người thì đó được TP xem xét để có thể mua nhà ưu đãi tiếp không?


Ngoài việc mở rộng đối tượng được quyền mua nhà TNT, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị điều chỉnh tại Khoản 5 Điều 5 về các đối tượng thuộc diện được mua, thuê, thuê mua nhà TNT điều chỉnh như sau: Các đối tượng thuộc diện được mua, thuê, thuê mua nhà ở TNT phải có mức thu nhập bình quân hàng tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.


Đồng thời theo kiến nghị của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội, việc thực hiện tiêu chí ưu tiên căn cứ theo tay nghề bậc cao nhất là không khả thi và không đảm bảo công bằng giữa người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị bỏ nội dung cộng điểm cho người lao động có tay nghề bậc cao nhất của ngành nghề được cấp có thẩm quyền công nhận.


Bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng: "Nên thực hiện chương trình xây dựng nhà ở TNT nhưng là thực hiện dưới góc độ làm quản lý nhà nước, nghĩa là quản lý theo định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật mà nhà nước ban hành chứ không nên đi quá sâu vào chi tiết. Khi các cơ quan quản lý đi sâu vào chi tiết tính minh bạch sẽ kém đi và tính chủ động của doanh nghiệp cũng kém đi".


Bà Ninh cho biết những người mua kiến nghị giá của các dự án nhà TNT chưa phù hợp, giá đưa ra đều nói là giá tạm tính. Như vậy là chưa minh bạch và người mua sẽ không hiểu mai kia khi quyết toán giá sẽ là bao nhiêu, và giá quyết toán chỉ có lên chứ không giảm so với giá tạm tính đưa ra ban đầu. Người mua sẽ có tâm lý đặt chân vào sẽ không rút ra được và điều này sẽ làm người dân ái ngại khi quyết định mua nhà TNT.

Theo Lại Quỳnh (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.