“Cùng với sự “nhảy múa” về giá cả của thị trường vật liệu xây dựng, giá nhà cho người thu nhập thấp sẽ tăng từ 5-10%. Tuy nhiên sẽ không tăng tới 14-15 triệu đồng/m2 như những tin đồn gần đây đối với những dự án đã và đang tiếp nhận hồ sơ”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã khẳng định với Đại Đoàn Kết như vậy, xung quanh vấn đề “rất nóng” về thị trường nhà cho người thu nhập thấp trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Thưa ông, dư luận gần đây xôn xao việc giá nhà cho người thu nhập thấp đã vọt lên 14-15 triệu đồng/m2 so với mức 9 triệu đồng/m2 cuối năm 2010, thực hư ra sao thưa ông?

Thông tin trên đang được Bộ Xây dựng kiểm chứng, nhưng theo tôi không chủ đầu tư nào “dám” phá vỡ cam kết là xây nhà cho người thu nhập thấp chứ không phải nghiêng hẳn về thương mại. Còn việc các chủ đầu tư chưa thể đưa ra giá bán bởi đang phải tính toán lại các chi phí khi mà giá vật liệu và các chi phí khác tăng quá cao thì hoàn toàn hết sức bình thường. Khi đầu vào tăng, giá căn hộ sẽ lên, đó là tăng theo quy luật thị trường, vì nhiều thứ khác cũng tăng giá, đặc biệt là đồng tiền mất giá. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, giá nhà cho người thu nhập thấp có thể lên 5-10% là điều không tránh khỏi. Cụ thể như cũng vị trí dự án ở Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), giá cuối năm 2010 là 9 triệu thì nay có thể chấp nhận tăng thành 9,9 triệu đồng/m2.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 190 dự án với tổng số vốn trên 28.000 tỷ đồng được đăng ký với quy mô xây dựng khoảng 170.000 căn hộ tương ứng với khoảng 7 triệu m2 sàn, đáp ứng cho 700.000 người có thu nhập thấp. Riêng tại Hà Nội, các dự án được khởi công có quy mô khoảng 25.000 căn hộ. Nhiều người lo lắng rằng với “thời” bão giá như hiện nay, các chủ đầu tư có đảm bảo đúng tiến độ? Tôi có thể khẳng định, dù có bị thiệt, chủ đầu tư cũng phải thực hiện các khoản mục trong hợp đồng cam kết với khách hàng. Doanh nghiệp không thể ngồi đợi giá giảm mà phải chấp nhận giá mới. Nên nhớ rằng, các nhà kinh doanh bất động sản, trước chuẩn bị 10 đồng để mua vật liệu, giờ lên 11 đồng, thì vẫn có thể mua được. Do đó, việc tăng giá sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm về mặt tiến độ.
Thực tế việc xây nhà ở cho người có thu nhập thấp, về bản chất, vẫn là cách kinh doanh của các chủ đầu tư, khác hẳn với nhà ở xã hội. Do vậy, chắc chắn chủ đầu tư sẽ không chấp nhận bị thua thiệt quá lớn, thưa ông?
Theo tôi, không hẳn như vậy. Luật nhà ở và Nghị định 71 có ghi rất rõ: Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, là tài sản của nhà nước và chỉ dùng với mục đích cho thuê. Còn nhà ở thu nhập thấp, cho người sống ở đô thị, là loại hình nhà được đầu tư bằng nguồn vốn thương mại của các doanh nghiệp cùng với một số ưu đãi, khuyến khích của nhà nước. Vì thế, nhà ở thu nhập thấp là loại hình nhà ở thương mại có sự điều tiết của nhà nước về diện tích, giá cả, điều kiện và đối tượng được mua bán.
Cụ thể hơn, nhà ở thu nhập thấp có diện tích tối đa 70 m2, được miễn tiền sử dụng đất, được miễn giảm một số sắc thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, được tăng mật độ sử dụng đất và bị khống chế bởi đối tượng mua và tỷ lệ lợi nhuận 10%.Tất nhiên, điểm giống nhau của hai loại hình này là đều dành cho các thành phần khó khăn về nhà ở trong xã hội mà không có điều kiện tự cải thiện. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi mà nguồn lực về vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, hình thức nhà ở thu nhập thấp sẽ là hướng chủ đạo trong 10-20 năm tới.
Nên nhớ rằng, nhà ở thu nhập thấp có nhiều doanh nghiệp tham gia và có sự cạnh tranh. Do vậy giá cao sẽ không ai mua. Bên cạnh đó còn thẩm định của nhà nước. Chủ đầu tư thua thiệt do điều kiện khách quan, sẽ có điều chỉnh, nhưng như tôi đã nói, sẽ không quá cao như những thông tin vừa qua.

ảnh minh họa
Vậy, theo ông, trong thời gian tới, thị trường nhà cho người có thu nhập thấp liệu sẽ có diễn biến như thế nào?
Kết quả tổng hợp cho thấy, toàn quốc có khoảng 500.000 hộ gia đình đang có tổng diện tích bình quân khoảng 5-6 m2 một người. Số dự án như đã nói ở trên còn khoảng cách xa so với nhu cầu và với điều kiện ở Việt Nam hiện nay, việc giải quyết nhà cho người thu nhập thấp phải mất hàng chục năm.
Có thể sau này chúng ta sẽ hướng tới mục tiêu phát triển từ nhà cho người có thu nhập thấp sang nhà cho thuê vì rốt cục mục tiêu của nhà nước là lo chỗ ở cho người dân chứ không phải mỗi người dân là có một ngôi nhà. Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế chính sách hướng doanh nghiệp, người dân vào lĩnh vực này. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ nghị định phát triển nhà thuê và sẽ huy động các nguồn lực xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Cafeland.vn - Theo Đại Đoàn Kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland