Nhiều chung cư cũ đang ở diện nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Hưng
Ngoài ra, do không được bảo trì, sửa chữa định kỳ,
nhiều công trình xuống cấp nhanh hơn, không đảm bảo các điều kiện sống
tối thiểu cho người dân. Việc thiếu lối thoát hiểm và sự xuống cấp của
hệ thống phòng cháy chữa cháy dẫn đến chung cư không đảm bảo an toàn.
Công trình tiềm ẩn nguy cơ sập đổ, đặc biệt là khi xảy ra động đất cường
độ lớn hoặc chịu các yếu tố ảnh hưởng khác như thi công các công trình
liền kề có hố đào sâu...
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các công trình trên địa bàn Hà Nội và TP HCM đều đã xuống cấp, một số lô tiềm ẩn khả năng mất an toàn gây ảnh huởng đến cộng đồng, nhất là trong các trường hợp công trình chịu các tải trọng bất thường như gió bão, động đất. Bộ kiến nghị, cần soạn thảo nghị định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy hoạch, sớm ban hành các chủ trương, chính sách về xây dựng để có kế hoạch và giải pháp từng bước xử lý các chung cư cũ.
Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đầu tư kinh phí thực hiện Đề án “Tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng, mức độ nguy hiểm các chung cư cũ trên cả nước và đề xuất giải pháp xử lý phục vụ chỉnh trang đô thị và cải thiện không gian sống cho người dân".
Hà Nội và TP HCM có hơn 2.200 lô chung cư tương đương với 6 triệu m2 sàn xây dựng dành cho khoảng 500.000 người sinh sống. Các công trình này có quy mô phổ biến từ 2-5 tầng (cá biệt có một số ít các công trình cao 6 tầng hoặc hơn). Hệ thống nền móng chủ yếu là dạng móng nông; phần thân là khung bê tông cốt thép, lắp ghép tấm lớn, tường gạch chịu lực với kết cấu sàn panel lắp ghép, mái ngói.
Hà Nội mới tiến hành cải tạo 11 lô chưng cư (hầu hết đang triển khai thi công). Còn TP HCM đến hết năm 2010 mới cải tạo được 54 lô chung cư chiếm tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đã đề ra.