Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu liên hợp xử lý Chất thải rắn Đa Phước tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh vừa được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5604/QĐ-UBND.

Khu vực nghiên cứu thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, có phía Bắc giáp rạch Chiếu, phía Tây giáp khu cây xanh cách ly và rạch Ngã Cạy, phía Đông giáp rạch Bà Lào, và phía Nam giáp khu cây xanh cách ly hồ điều tiết.

Theo quy hoạch, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước sẽ là khu xử lý chất thải hiện đại được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với hạ tầng cơ sở đầy đủ đáp ứng cho nhu cầu phục vụ lâu dài.

Toàn khu quy hoạch có tổng diện tích 128,22ha, chia làm hai khu chức năng chính gồm khu xử lý chất thải và khu chôn lấp, cụ thể:

Khu nhà máy xử lý chất thải: quy mô 28,38 ha, gồm: đất nhà máy xử lý chất thải: khoảng 10,34 ha chiếm 36,44% (các nhà máy phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt: 8,53ha, Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại: 1,81 ha); đất hành chánh dịch vụ: khoảng 0,27 ha chiếm 0,95%; đất công viên cây xanh: khoảng 4,26 ha chiếm 15,01%; đất hạ tầng kỹ thuật: khoảng 6,42 ha chiếm 22,62% (Nhà máy xử lý nước cấp, Nhà máy xử lý nước thải, Trạm biến áp); đất giao thông, sân bãi: khoảng 6,82 ha chiếm 24,03%’ đất kho tàng, phụ trợ: khoảng 0,27 ha chiếm 0,95%.

Khu chôn lấp công nghệ cao: quy mô 99,84ha gồm: đất bãi chôn lấp khoảng 86,93ha chiếm 88,07%, đất cây xanh cách ly khoảng 3,17ha chiếm 3,18%, đất giao thông khoảng 9,74 ha chiếm 9,76%.

Về quy hoạch hệ thống giao thông: mạng lưới giao thông trong khu vực dự án đáp ứng được nhu cầu vận tải cho khu vực của dự án.

Về quy hoạch cao độ nền: đối với khu vực đã xây dựng ở giai đoạn 1: nền đất đã ổn định, không bị ngập úng nên giữ nguyên nền địa hình; đối với Khu vực xây dựng công trình, nhà máy – xưởng: tôn cao nền đất hiện hữu lên cao độ xây dựng H≥2,00m (hệ VN2000, tính đến phần thấp nhất ở mép đường) tạo mặt bằng xây dựng và đảm bảo không bị ngập úng; không san lấp, xây dựng hệ thống đê xung quanh đối với Khu vực chôn lấp.

Về quy hoạch thoát nước mặt: tổ chức thoát riêng hệ thống thoát nước mặt và nước thải. Giữ nguyên mạng lưới cống, mương thoát nước hiện hữu, chỉ cải tạo các tuyến cống/mương do hư hỏng. Đối với khu xây dựng công trình mới phía Tây Nam: xây dựng mạng lưới cống thoát nước mặt dọc theo các trục đường giao thông nội bộ để thu gom toàn bộ nước mặt rồi dẫn thoát ra các kênh rạch trong khu vực. Sử dụng cống ngầm, kích thước Ø600 ÷ Ø1200mm, chiều sâu chôn cống tối thiểu H=0,7m, độ dốc cống đảm bảo khả năng tự chảy i≥1/D. Cống băng đường sử dụng cống Ø300mm, độ dốc 2%.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng hệ thống cống thoát nước thải riêng, nước thải sinh hoạt cần phải được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại trước khi thoát ra cống thoát nước thải. Nước thải (từ sinh hoạt, sản xuất và nước rỉ rác) được thu gom và đưa về trạm xử lý nước thải cục bộ bên trong khu quy hoạch, nước thải sau khi xử lý phải đạt quy chuẩn QCVN 25:2009/BTNMT trước khi thoát ra môi trường tự nhiên. Sử dụng hệ thống cống thu gom có áp (do sử dụng bơm để đẩy nước thải).

Về xử lý chất thải rắn: chỉ tiêu chất thải rắn sinh hoạt: 1,2 kg/người/ngày, chỉ tiêu chất thải rắn công nghiệp: 0,5 tấn/ha/ngày, chất thải rắn sinh hoạt dự kiến do nhà máy xử lý có công suất: 10.000 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp-nguy hại dự kiến do nhà máy xử lý có công suất: 2.500 tấn/ngày. Phương án xử lý chất thải rắn: chất thải rắn của Thành phố được vận chuyển, thu gom và tập trung về nhà máy sau đó được xử lý tại đây. Chất thải rắn sẽ được xử lý đảm bảo theo quy định hiện hành.

Sở QHKT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.