Bộ Xây dựng vừa có dự thảo mới nhất (15/10) trình Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Theo đó, định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ vẫn giữ nguyên trục Hồ Tây – Ba Vì.
Trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ kết nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố Hà Nội
Giữ nguyên trục Hồ Tây – Ba Vì
Theo dự thảo, định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ mở rộng, xây mới các tuyến đường kết nối giao thông, không gian giữa các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn hiện hữu với đô thị trung tâm gồm: Tây Thăng Long – Sơn Tây, đường 32, trục Hồ Tây – Ba Vì, Đại lộ Thăng Long, Hà Đông – Xuân Mai, Ngọc Hồi – Phú Xuyên. Như vậy, trục Hồ Tây - Ba Vì vẫn được giữ nguyên trong quy hoạch.Trong dự thảo mới nhất này, Bộ Xây dựng không nói trục này sẽ vẫn chạy thẳng một mạch hay sẽ 'quanh quanh hoạ đồ' theo kiến nghị mới đây nhất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Trước đó, UBND TP Hà Nội cho rằng trục Hồ Tây - Ba Vì là không cần thiết vì trung tâm hành chính quốc gia không đặt tại Ba Vì nữa. Tuy nhiên một thời gian sau, Hà Nội đột ngột thay đổi quan điểm, vẫn ủng hộ xây dựng trục đường trên nhưng gợi ý không nên chạy thẳng mà là 'trục cong' theo địa hình ngoài vành đai 4. Mới đây, trong cuộc hội thảo quốc tế về phát triển bền vững Hà Nội nhân dịp đại lễ, nhiều chuyên gia đã kêu gọi chưa nên thông qua bản quy hoạch chung Hà Nội mở rộng vì có quá nhiều vấn đề không ổn. Số phận bản quy hoạch này và trục Hồ Tây - Ba Vì chỉ được quyết định bởi quyết định phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, cũng sẽ cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các tuyến đường vành đai. Cụ thể: vành đai 1 đoạn Cầu Giấy – Trần Khát Chân dài 10,2 km, quy mô 6 – 8 làn xe, một số đoạn cuối có thể xây dựng cầu cạn.
Vành đai 2 với tổng chiều dài khoảng 44 km, quy mô 10 làn xe; khuyến khích xây dựng hệ thống bãi đỗ ngầm hoặc cao tầng trong các khu vực xây dựng mới khi cải tạo trong nội đô. Vành đai 3 có chiều dài khoảng 65 km, quy mô 10 – 12 làn xe (4 làn xe cao tốc đô thị trên cao đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì).
Vành đai 3,5: Dọc chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4, hoàn thiện đường 5 kéo dài từ cầu chui Đông Trù, Đông Anh đến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài và Mê Linh tạo thành tuyến giao thông đô thị xương sống cho các khu đô thị mới Mê Linh – Đông Anh, Long Biên – Gia Lâm.
Trụ sở các bộ, ngành sẽ đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây
Về định hướng quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống cơ quan công sở cấp Trung ương như: Các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ được xác định tại khu vực Ba Đình.
Các công sở cấp Trung ương được ở lại trong khu vực nội đô sẽ được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu làm việc. Các công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì – Mỹ Đình hoặc Tây Hồ Tây, quy mô đáp ứng được yêu cầu làm việc hiện đại, tiện nghi theo mô hình khu tập trung, liên cơ quan.
Các công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì – Mỹ Đình hoặc Tây Hồ Tây
Công sở cấp thành phố: Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố bố trí tại khu vực xung quan Hồ Gươm. Trụ sở cơ quan thành phố theo mô hình hợp khối và xác định ở vị trí thích hợp tại các khu vực nội đô.
Ngoài ra, khu vực đô thị trung tâm sẽ xây mới Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quốc tế tại Mễ Trì và Đông Anh; Trung tâm tài chính thương mại quốc tế tại khu vực Tây Hồ Tây; Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì trên các trục không gian phát triển trong chuỗi đô thị dọc vành đai 4.
Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland