Ngày 8/3, Sở TN&MT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số các ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Nhưng, vẫn còn nhiều quy định cần bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.
Vướng giá đất
Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật nên bổ sung nguyên tắc: Trước khi thu hồi đất, phải lập phương án tái định cư rõ ràng để tránh những vướng mắc trong thu hồi đất, GPMB. Đồng thời, phải thành lập Trung tâm thẩm định giá đất độc lập, giải quyết vấn đề giá đất và phải chi trả kịp thời tiền bồi thường cho dân. Dự thảo cần có quy định rõ hơn về tiền thuê đất, công khai việc bán đấu giá đất và việc bán đấu giá phải được cơ quan, tổ chức có năng lực, thẩm quyền chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Phú Xuyên nêu thực trạng, giá đất áp dụng hàng năm của các tỉnh, TP chưa sát với thực tế, rất khó cho việc tính bồi thường, dẫn đến tình trạng: tiền hỗ trợ lớn hơn tiền bồi thường. "Hiện, kinh phí bồi thường cho 1m2 đất nông nghiệp tại huyện Phú Xuyên là 135.000 đồng/m2, nhưng kinh phí hỗ trợ đến 675.000 đồng" - ông Ngọc Anh cho biết.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hướng tới hệ thống quản lý đất đai minh bạch. Trong ảnh: Đất trong diện thu hồi GPMB tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức.Ảnh: Đức San
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Gia Lâm cho rằng, có những dự án, huyện GPMB tới 4 - 5 lần, lần nào cũng xin điều chỉnh giá đất, mỗi lần giá tăng lên khoảng 20%. Bà Hà đề xuất: Đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển, nên để cấp xã quản lý sẽ sát sao hơn, để cấp huyện quản lý thì quá rộng. Với đất lấn chiếm, nên thu hồi lại và giao lại cho địa phương quản lý. Nếu giao lại cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất, sẽ quản lý thế nào?
Phân cấp cho địa phương giao đất lúa, đất rừng?
Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của Điều 50 tại Dự thảo quy định: Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có thêm văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu cho rằng, điều này là cần thiết với các dự án quy mô lớn nhưng sẽ khó khả thi với quy mô nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, tại một số dự án, phần đất lúa là một phần nhỏ lẻ, xen kẹt. Nếu phải chờ văn bản chấp thuận của Chính phủ sẽ rất chậm. "Chúng ta có thể quy định từng loại đất, diện tích bao nhiêu mới phải có ý kiến của Chính phủ. Việc này nên phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước các cơ quan cấp trên" - ông Lê Đăng Hưng, Phó Giám đốc Công ty Sông Hồng chia sẻ.
Băn khoăn sổ đỏ
Vấn đề cấp sổ đỏ cũng nhận được nhiều ý kiến. Nhiều khu đất hợp pháp, có giấy tờ đầy đủ hiện vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ông Khuất Khắc Sơn, Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thất cho biết, trên địa bàn huyện có những thửa đất đồng bằng, trung du, hồ sơ giấy tờ địa chính đầy đủ, có bản đồ từ thời xưa để lại. "Tuy nhiên, đối với những thửa đất không có giấy tờ, chúng ta nên chia ra các thời điểm để cấp sổ đỏ cho dân. Bởi điều này chủ yếu do lỗi của chính quyền, không phải lỗi của dân" - ông Sơn bày tỏ.
Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội khẳng định, đối với những khu đất chưa cấp được sổ đỏ, đa số là những khu đất khó cấp, liên quan đến tranh chấp, pháp luật. Sở TN&MT Hà Nội đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ TN&MT nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết. "Đối với mảnh đất ông cha để lại, có thể xác minh qua Mặt trận Tổ quốc, làng xóm chứng nhận" - ông Hậu hiến kế.
Theo kế hoạch, báo cáo kết quả góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các sở, ngành, HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã gửi về Sở TN&MT Hà Nội trước ngày 10/3/2013. Tuy nhiên, ông Hậu cho hay, đối với việc dân góp ý, các quận, huyện vẫn tiếp tục tổng hợp, không giới hạn thời gian.
Hồng Thái (Kinh tế Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.