Bên lề Hội nghị lấy ý kiến các doanh nghiệp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc phỏng vấn xoay quanh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Luật gia khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ không có tác dụng nhiều trong cuộc sống n

Luật gia Vũ Xuân Tiền. Ảnh: Xuân Đức

Nhiều kẽ hở trong việc giao đất

- Ông có thể cho biết những tác động của Luật Đất đai hiện hành đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian vừa qua?

- Tôi nghĩ rằng, Luật Đất đai 2003 đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, Luật hiện hành có quá nhiều kẽ hở trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Những kẽ hở của Luật cộng hưởng với nạn tham nhũng đã là nguyên nhân của rất nhiều vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người của người dân. Điều không bình thường là: Sau khi có Luật Đất đai, số vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai đã tăng lên. Báo cáo tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cho thấy, số vụ khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này lên tới gần 70% trong tổng số các vụ việc khiếu nại, tố cáo thời gian qua. Đó là điều rất bất bình thường!

- Vậy, đâu là nguyên nhân của những “điều rất bất bình thường” đó, thưa ông?

- Theo tôi, nguyên nhân số một là chúng ta đã đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc thu hồi đất, khi mà Luật Đất đai hiện hành đã cho phép sử dụng quá giới hạn biện pháp thu hồi đất bằng quyết định hành chính. Thu hồi đất của nông dân để chuyển giao dưới các hình thức khác nhau cho mục đích công cộng, lợi ích quốc gia. Hai là, việc xác định giá đất trong Luật Đất đai 2003 thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tạo ra sự chênh lệch rất lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc làm này dẫn đến sự hình thành những “liên minh bóng tối” giữa một số công chức, quan chức thoái hóa, biến chất với một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm chia nhau phần địa tô chênh lệch. Ba là, việc phân cấp quản lý về đất đai quá rộng dẫn đến có nhiều người được quyền giao đất, cho thuê và thu hồi đất. Điều đó dẫn đến hậu quả là, mặc dù trên lý thuyết, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng thực tế, đất đai đang thuộc “sở hữu” của những nhóm lợi ích. Bốn là, quy định về tiền sử dụng đất trong Luật Đất đai hiện hành không hợp lý, bởi vì, Luật đã không chỉ rõ tiền sử dụng đất là một loại thuế hay lệ phí. Chính vì vậy, việc đưa tiền sử dụng đất lên “sát giá thị trường” nhằm tăng thu cho ngân sách đã không thực hiện được. Năm là, quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp trong Luật hiện hành đã “vô tình” duy trì một ngành nông nghiệp manh mún, phân tán, là vật cản cho mục tiêu CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn. Sáu là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai quá nhiều, chắp vá, chồng chéo. Đây là lực cản lớn trong việc phổ biến pháp luật về đất đai cho toàn dân và tạo kẽ hở cho sự vận dụng một cách tùy tiện trong thi hành Luật.

Nên có quy định trưng mua quyền sử dụng đất

- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cơ chế thu hồi đất bằng những quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước. Nhiều người cho rằng, đây là quy định mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự và Hiến pháp năm 1992, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, thu hồi đất bằng quyết định hành chính là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc và vô lý trong trường hợp người có đất bị thu hồi không vi phạm pháp luật. Khi đó, giữa người có quyền ban hành quyết định thu hồi với người có đất bị thu hồi không còn sự bình đẳng, các quyền của người có đất đối với diện tích đất bị thu hồi đều bị mất. Hơn nữa, việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính là trái với Bộ luật Dân sự. Bởi, khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù không có quyền sở hữu, nhưng người dân hoặc tổ chức đã xác lập được quyền sử dụng và quyền định đoạt về tài sản - một tài sản vô hình là quyền sử dụng đất - theo Điều 164 Bộ luật Dân sự. Việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính cũng trái với Hiến pháp năm 1992. Điều 23 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định".

Nâng hạn mức giao đất nông nghiệp sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của hộ gia đình nông dân? Ảnh: Trọng Hải

- Vậy để hóa giải “hình thức kỷ luật nghiêm khắc” kể trên, theo ông, Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải quyết những vấn đề gì?

- Việc cần làm ngay bây giờ là thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, phát triển kinh tế. Khi ban hành Luật Đất đai năm 2003, chưa có Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, song năm 2008, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã được Quốc hội thông qua. Việc sử dụng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất sẽ tạo điều kiện để người có đất bị thu hồi xóa bỏ tâm lý “bị tước đoạt”. Còn thu hồi đất bằng quyết định hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp như: Do vi phạm luật đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện; do việc trưng mua không thực hiện được theo Điều 17 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

- Có nhiều ý kiến về quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, chẳng hạn như làm sao để khuyến khích tích tụ đất, hình thành những cơ sở sản xuất lớn trong nông nghiệp. Theo ông, Dự thảo luật nên quy định hạn mức giao đất nông nghiệp như thế nào?

- Để phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay, theo tôi, Dự thảo luật nên nghiên cứu điều chỉnh hạn mức giao đất nông nghiệp lên cao hơn, có thể gấp 2 đến 3 lần so với quy định hiện hành. Bởi lẽ, thực tiễn gần 10 năm qua cho thấy, hạn mức giao đất nông nghiệp thấp đã hạn chế tới sự hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù tại Điều 113 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá mười (10) lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 112 của Luật này”, song quy định trên đã nhanh chóng bị lạc hậu, vì hiện nay, đã xuất hiện nhiều trang trại có diện tích rất lớn từ 500ha trở lên. Vì vậy, nâng hạn mức giao đất nông nghiệp sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của hộ gia đình nông dân khi họ chuyển nhượng hoặc góp vốn vào một doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời thúc đẩy nhanh hơn quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lê Xuân Đức (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.