07/11/2012 8:20 AM
Nhiều đại biểu cho rằng dự Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa có đột phá lớn

Ngày 6-11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự Luật Đất đai (sửa đổi). Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng dự Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa có đột phá lớn và quyền lợi vẫn nghiêng về phía Nhà nước.

Chẳng ai như Việt Nam!

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch cho rằng Nhà nước chỉ có quyền trưng thu, trưng dụng hay tiên mại chứ không thể là thu hồi. Do vậy, dự luật cần chấm dứt tình trạng giao đất cho doanh nghiệp (DN) để làm dự án và phó mặc để họ tự đền bù thu hồi mảnh đất của người dân đang sinh sống. “Sự thả nổi này còn dẫn đến cảnh 2 nhà đầu tư cùng “mua” được giấy giao dự án và 2 ông mặc cả mua đất trên “đầu” dân. Chẳng ai như Việt Nam” - ông Lịch nói. Ông Lịch đề nghị “trước mắt, cần áp dụng quyền trưng mua, trưng dụng, tiên mại… và đa dạng hóa hình thức hơn nữa”.

Đại biểu Nguyễn Văn Phụng: “Đất đai là tài sản đặc biệt, không còn đất, nông dân mất nguồn sống, nghề nghiệp”. Ảnh: Thế Dũng

Nói về tình trạng thu hồi đất tràn lan, dễ dãi, ông Trần Du Lịch cho biết đến nay chưa cơ quan nào tổng kết số phận những người dân nhường đất để làm khu đô thị giờ họ đi đâu, sống thế nào? ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) kể trong lần tiếp xúc cử tri, một người đàn ông làm nghề lượm ve chai đã khóc vì cả nhà lên chung cư tầng 10 sống, mất sinh kế, còn đất thu hồi thì DN đang để hoang. “Phải lo sinh kế cho người dân, nhất là khi họ nhường đất làm thủy điện, khai mỏ” - bà Trang góp ý.

Trái Hiến pháp?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH
Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng sửa Luật Đất đai là hợp lý nhưng cần hết sức cẩn trọng nếu không lại tái diễn vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Nam Định... như vừa qua. Bà Nga phân tích: Cơ chế chuyển dịch, thu hồi đất căn cứ theo Luật Dân sự, quyền sử dụng đất là tài sản, theo Hiến pháp quy định, tài sản của cá nhân không bị quốc hữu hóa, trường hợp vì lợi ích quốc gia, phục vụ an ninh, quốc phòng thì phải trưng dụng, trưng mua có bồi thường. Còn theo Luật Đất đai, Nhà nước thu hồi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội những dự án lớn. “Tôi cho rằng chúng ta đã vượt qua khỏi Hiến pháp nên cần phải cân nhắc” - bà Nga nói.

Cùng quan điểm, ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) cho rằng “đã công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì không thể thu hồi khi người dân đang sử dụng hợp pháp”. Theo ông Sang, chỉ nên áp dụng việc thu hồi đất để sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ lợi ích quốc gia. Trường hợp “sử dụng cho mục đích công cộng” và phát triển kinh tế - xã hội phải áp dụng hình thức trưng mua. ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) đề nghị việc xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước cũng phải mua đất của dân như bình thường chứ không thể gộp chung là công trình công cộng. “Phải chống việc lấy danh nghĩa mục đích công biến thành lợi ích tư để tham nhũng” - ông Phong nói.

Định giá đất quá rắc rối

Nhiều ĐB cho rằng cách ban hành và định giá đất hiện nay quá rối rắm, gây ra khiếu kiện, bất bình trong dân chúng và dự luật sửa đổi vẫn chưa có cải cách nhiều. ĐB Trần Du Lịch ví von tình trạng định giá đất quá rắc rối và nhiều tầng nấc hiện nay như “tìm lá diêu bông”. Theo ông Lịch, giá đất có liên quan mật thiết với quy hoạch sử dụng đất. Do đó, khâu quy hoạch phải được chú trọng đặc biệt, không chỉ xác định rõ mục tiêu sử dụng mà phải chi tiết hóa cả đến mật độ xây dựng, số tầng cao… Quy định rồi mới định được giá.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị: “Giá thị trường là nơi gặp gỡ của cung và cầu ở số lượng cao nhất. Một minh chứng là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn, người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng đang rất muốn được chi trả nhanh chóng, thay vì trước đó họ tìm cách trì hoãn việc giao đất. Và “số lượng cao nhất” theo tôi là khoảng 70%-80% người có đất đồng thuận”.

ĐB Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) nhấn mạnh: “Đất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn sống của người dân. Nếu không còn đất, nông dân mất nguồn sống, nghề nghiệp, nhất là nông dân lớn tuổi không thể vào làm việc ở nhà máy, xí nghiệp. Giá đất phù hợp với giá thị trường thì phải làm rõ vì chênh lệch rất cao”.

Phải miễn học phí cho bậc tiểu học, THCS

Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Góp ý về quyền học tập, ĐB Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, cho rằng quy định về quyền này trong Hiến pháp sửa đổi là một bước lùi. “Hiến pháp hiện hành quy định bậc tiểu học không phải đóng học phí nhưng lần này lại không thể hiện. Trong khi muốn xã hội phát triển được thì học tập là hết sức hệ trọng, tôi đề nghị phải thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi, không chỉ học sinh tiểu học mà học sinh THCS cũng phải được miễn học phí” - ông Hải nói.
T.Dũng
Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.