Không riêng gì ở các KCN, CCN mà ngay cả những dự án tiền tỷ nằm giữa Thủ đô Hà Nội, tình trạng qui hoạch “treo”, dự án “treo” cũng khiến người dân dở khóc dở cười.
“Ai ơi chớ để ruộng hoang…”
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người dân xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ trọng nông nghiệp, từ năm 1998 đến nay, huyện Quế Võ liên tục thu hồi đất nông nghiệp của xã để phát triển KCN tập trung. Theo ông Nguyễn Hải Trưng, Chủ tịch UBND xã Phương Liễu, thì xã đã mất hơn 200 ha trên tổng số 580 ha đất canh tác màu mỡ để làm KCN. Bình quân mỗi người dân trong xã nay chỉ còn 200m2 đất canh tác.
Khu đất cấp cho dự án của Công ty Tyco Electronics ở KCN Quế Võ (Bắc Ninh) sau nhiều năm vẫn "án binh bất động" |
Ông Nguyễn Quang Truyền, thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, cho biết: Trước đây gia đình ông có hơn một mẫu ruộng (3.600 m2) “bờ xôi ruộng mật”, sản xuất thuận lợi, tuy chưa giàu nhưng cũng đủ ăn, không lo thiếu lương thực. Nay do bị thu hồi đất nên gia đình ông chỉ còn 1.000 m2 đất ruộng. Nhà ông có sáu nhân khẩu, ba con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, vợ chồng ông tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, không thể đi làm công nhân ở KCN, mọi chi tiêu của gia đình chỉ nhìn vào quầy hàng khô do vợ ông bán nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn.
Tìm hiểu thực tế tại các KCN Quế Võ chúng tôi nhận thấy, nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân tuy đã được đền bù, giải phóng mặt bằng, Công ty hạ tầng KCN đã quây rào, chia lô nhưng chưa có nhà đầu tư. Một số dự án được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai dẫn đến tình trạng nhiều nơi đất để hoang trong khi người lao động đang thiếu việc làm. Nhìn đất hoang hóa người dân Phương Liễu tiếc lắm nhưng không thể vào canh tác được.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Bí thư chi bộ thôn Giang Liễu thì khi Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc thu hồi đất, lấy ruộng làm KCN đã làm hệ thống kênh N36 của xã bị san lấp, dẫn tới việc những cánh đồng xa không thể lấy được nước tưới và đổ ải. Sau nhiều lần cử tri kiến nghị, Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc có đền bù kinh phí để sửa chữa nhưng đến nay nguồn tiền đó vẫn nằm ở kho bạc. Ruộng cấy thì ít, trồng màu thì không có nước tưới nên 930 hộ dân Giang Liễu đang lâm vào cảnh khốn khó. Các thôn khác trong xã Phương Liễu như Nho Giang, Phương Cầu do bị thu hồi tới 50% diện tích đất lúa nên người dân cũng khốn khổ không kém.
Dự án trọng điểm có nguy cơ… “treo”
Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh Thái Nguyên xây dựng, triển khai 45 dự án trọng điểm. Đến nay, ngoài một số dự án triển khai đúng tiến độ thì cũng còn không ít dự án triển khai chậm, thậm chí mới dừng ở mức nghiên cứu, khảo sát, có nguy cơ trở thành những dự án “treo” nếu không có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đến thời điểm này, có ít nhất 3 dự án không có khả năng triển khai là: Dự án Nhà máy gốm sứ Thái Nguyên do chưa có chủ đầu tư; dự án Nhà máy bột màu điôxít titan Thái Nguyên do Công ty kim loại màu Thái Nguyên - đơn vị chủ đầu tư dự án không có mỏ khai thác, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho dự án; dự án hồ thủy lợi Văn Lăng (Đồng Hỷ) do không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số dự án khác cũng mới chỉ nằm trong dự kiến đầu tư hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư như: Dự án xây dựng 4 cầu bắc qua sông Cầu, đường hầm Tam Đảo nối liền Vĩnh Phúc - Thái Nguyên, Trung tâm hội chợ triển lãm và chợ vùng Việt Bắc, Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên...
Ngay cả đối với những dự án đã khởi công cũng có một số dự án thi công rất chậm, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đơn cử như dự án Trung tâm thương mại Primer Thái Nguyên do Tập đoàn Primer làm chủ đầu tư tọa lạc tại vị trí trung tâm, "đắc địa" nhất Thái Nguyên tuy đã triển khai xây dựng từ vài năm nay nhưng hiện tại mới chỉ thi công xong phần móng, tiến độ thi công ì ạch. Hay dự án Trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao Thái Nguyên do Công ty cổ phần Trung Tín đầu tư - một dự án cũng chiếm lĩnh diện tích "đất vàng" khá lớn trên đường Đội Cấn, giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên sau 2 năm khởi công mới chỉ đạt khoảng 10% tiến độ…
Không riêng gì Thái Nguyên, ngay cả những dự án được đánh giá là nhà đầu tư lớn nhất nhì KCN Quế Võ (Bắc Ninh) cũng bị liệt vào danh sách dự án “treo”. Đơn cử như dự án sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật chính xác không nguồn, các sản phẩm màn hình cảm ứng, dây và cáp cho thị trường thiết bị đo kiểm ô tô, máy tính, hàng điện tử… của Công ty Tyco Electronics có tổng vốn đăng ký 35 triệu đô la Mỹ nhưng kể từ khi được cấp phép đầu tư tháng 8/2008 đến nay, dự án vẫn án binh bất động.
Bất cập trong qui hoạch và thẩm định
Ông Nguyễn Hải Trưng, Chủ tịch UBND xã Phương Liễu cho biết: “Người dân mong muốn nhà nước khi thu hồi đất cần có quy trình, lộ trình cụ thể, tránh để tình trạng đất đã thu hồi nhưng dự án chậm triển khai, gây lãng phí. Để xảy ra tình trạng trên, rõ ràng các cơ quan chuyên môn khi thẩm định các dự án chưa chặt chẽ, đất đã được thu hồi nhưng không kêu gọi được các dự án đầu tư. Các cơ quan chuyên môn khi thẩm định các dự án cần nghiêm túc đánh giá năng lực tài chính cũng như khả năng đầu tư của các dự án. Có như vậy thì chủ trương giữ lại 3,8 triệu ha đất trồng lúa trên toàn quốc mới thực sự có kết quả”.
Bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội (Hà Nội): Giám sát dự án “treo” mà HĐND và thanh tra thành phố Hà Nội tiến hành gần đây là đúng lúc, kịp thời, vì đó là nguồn gốc sâu xa của sự lãng phí, tham ô, tham nhũng. Kết quả giám sát và kết luận đã có, thành phố phải xem lại quy hoạch và kiên quyết thực hiện đúng quy hoạch. Việc cấp sai dẫn đến dự án “treo”, theo quy định với dự án nào quá thời gian giao đất mà không triển khai thì dứt khoát thu hồi. Để hạn chế dự án “treo”, các ngành chức năng phải công khai quy hoạch, thông tin cho nhân dân địa phương biết điều đó. Đối với dự án thu hồi, tôi ủng hộ nguyên tắc trở thành công trình công cộng, dứt khoát không xây trung tâm thương mại, nhà cao tầng, thu hồi cái nào phải công khai và công khai cả người ký dự án đó. Ông Phan Thanh Hà, Trưởng phòng quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên: Ở góc độ quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện dự án chậm tiến độ so với cam kết, chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất dự án. Bà Nguyễn Thị Diếm, thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh): Người dân hiện đang thiếu việc làm do lấy đất lúa làm KCN. Bà con rất mong có đất sản xuất, những nơi nhà nước đã thu hồi làm KCN nhưng không sử dụng đến, nếu nhà nước hoàn lại đất cho nhân dân canh tác, chúng tôi sẵn sàng nhận lại để sản xuất. |
Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng: “Thực trạng chất lượng quy hoạch còn hạn chế dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, nguồn lực đầu tư vào quy hoạch chưa tốt để lại không ít hệ lụy cho xã hội”.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Nhiều dự án cấp đất đầu tư không phù hợp với quy hoạch, triển khai dự án chậm, hiệu quả sử dụng đất thấp, lãng phí tài nguyên đất. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích xã hội, lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người bị thu hồi đất, chưa chú ý đến các vấn đề xã hội nảy sinh sau thu hồi đất”.
Kiên quyết thu hồi
Trước tình cảnh nhiều dự án chậm triển khai sau khi đã được cấp giấy phép đầu tư, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh đã xem xét, tiến hành thu hồi một số dự án đầu tư chậm tiến độ, thực hiện không đúng cam kết như trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Để tránh tình trạng dự án trọng điểm trở thành dự án "treo", tạo môi trường thu hút đầu tư lành mạnh, chính quyền và các cơ quan chức năng các địa phương cần kiên quyết thu hồi các dự án của nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, chuyển giao dự án đầu tư cho các nhà đầu tư khác; đồng thời chủ động phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả các chủ đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo cuộc sống ổn định cho người dân sau thu hồi đất.
Ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh cho rằng, bản chất của KCN là sản xuất công nghiệp, KCN không phải là khu kinh doanh bất động sản. “Chúng tôi xây dựng các KCN để thu hút các nhà đầu tư. Các KCN ở Bắc Ninh khi đã thu hồi đất, đã xây dựng hạ tầng sẽ đáp ứng cơ bản cho các nhà đầu tư, cho nên việc thu hút đầu tư là việc làm quan trọng. Tuy nhiên, có tình trạng một số dự án đã khởi công nhưng không tiếp tục triển khai do các công ty mẹ ở nước ngoài gặp khó khăn, công ty con không đủ năng lực tài chính. Với những dự án chậm triển khai, chúng tôi kiên quyết rút giấy phép, thu hồi dự án”.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi chủ trương khảo sát đối với 19 dự án đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 454 ha. Đây là những dự án đã được tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho khảo sát từ nhiều năm nay với diện tích nhỏ nhất là 0,08 ha và lớn nhất là 200 ha. Trong số 19 dự án bị “thổi còi” yêu cầu dừng khảo sát lập dự án thì có những dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh cho khảo sát từ năm 2004 và mới đây nhất là năm 2008. Đây là những dự án chủ đầu tư năng lực tài chính kém, chậm tiến độ cam kết.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Ninh còn chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các dự án chậm đầu tư, chậm sử dụng đất trên địa bàn và đề xuất các biện pháp xử lý đối với các dự án này.
Còn tại Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi 3 giấy phép gồm dự án Trường Hải ô tô, dự án trường mầm non Việt - Mỹ, Trung tâm thương mại Hoàng Bình do chậm triển khai dự án khi đã được cấp phép đầu tư quá thời gian qui định.