Nên đưa ra Quốc hội
UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định tái khởi động lại dự án siêu đô thị ven sông Hồng sau 22 năm dự án này chỉ nằm trên giấy.
Cụ thể, Hà Nội yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận Tây Hồ và Ba Đình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến việc triển khai dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City).
Liên quan đến dự án này, từ năm 1994, dự án khu đô thị ven sông Hồng được phía nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở khu vực An Dương.
Trước việc Hà Nội tái khởi động lại dự án trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/10, KTS Trần Trọng Hanh - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Quy hoạch dự án khu đô thị ven sông Hồng đã nhiều lần được đưa ra, nhưng không thành công, do vướng vấn đề đê điều; tái định cư.
Còn trong điều kiện hiện nay tác động của biến đổi khí hậu vô cùng lớn, tiêu biểu là đợt mưa lũ các tỉnh miền Trung. Cùng với đó, tình hình ngập úng của TPHCM và HN, đây là hệ quả của quá trình phát triển vội vàng các siêu đô thị, các siêu thành phố, trong khi kết cấu hạ tầng chưa đủ.
Siêu dự án Trấn sông Hồng được tái khởi động
Riêng sông Hồng hai bên bờ đê là vùng không gian chia sẻ lũ, rất nhiều biến cố xảy ra sau này. Do đó, nguyên tắc phải dựa trên những yếu tố cơ bản trong Luật đê điều, có đường lối xem xét quy hoạch lại, không thể giao cho từng quận làm, mà phải có quy hoạch chung, tổng mặt bằng của toàn bộ 2 bên sông.
Đồng thời, phải có cơ quan am hiểu về lũ, về Hà Nội, chứ không thể xé ra mỗi bên một ít, như vậy sẽ không thành công.
Như vậy, phương pháp tiếp cận về cơ sở của dự án phải dựa trên quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hệ thống lại những đồ án trước đây đã làm, tính toán áp lực về đê điều; xem xét tác động biến đổi khí hậu đến sông Hồng".
Bên cạnh đó, để làm dự án này, theo ông Hanh không nên làm một phương án quá thiên về vấn đề thu lời qua BĐS như Hàn Quốc đặt ra trước đây, lấy áp lực nguồn thu đè nén lên sông Hồng. Đây là vũng trũng, vùng âm, sông Hồng là sông dữ chứ không như sông Hàn, nên không thể đem mô hình sông Hàn áp dụng vào dòng sông này.
Khi triển khai phải dựa trên các nguyên tắc: Nguyên tắc 1 là nguyên tắc kế thừa, tất cả những vấn đề còn lại trước đây, tác động đến tái định cư, đảm bảo dân sinh.
Nguyên tắc 2, tôn trọng tuyệt đối những hành lang, an toàn, khoảng không theo quy định pháp luật, theo quy chuẩn xây dựng.
Nguyên tắc 3, đối với khu vực ven sông không được sạt lở, tác động trực tiếp đến dòng chảy, phải gia cố bằng hệ thống đê điều, 40km đi trong khu vực nội thành phải có đường chắn, chống sạt lở.
Trên cơ sở đó, những thủy giới phải được tôn trọng, giật vào để trồng cây xanh tối thiểu cũng phải 500m. Từ đó, mới tạo ra một con đường, bố trí các công trình cao tầng, tái định cư tại chỗ.
"Đối với các khu đất hiện có, các công trình vườn hoa công viên, tiện ích công cộng, nhà trẻ, trường học, phải sắp xếp lại sao cho đường xá thuận tiện, có cơ sở hạ tầng, đảm bảo dân sinh, thành khu đô thị đẹp, để gắn với môi trường đô thị của toàn TP Hà Nội.
Với dự án này nên báo cáo thường vụ Quốc hội, ra Nghị quyết phê duyệt, bởi kể cả Hà Nội, Chính phủ cũng không quyết được.
Theo tôi, nếu làm thì phải làm như vậy, còn nếu cứ như trước đây, thuê tư vấn về nhưng không phù hợp thì lại tốn tiền không làm được gì", ông Hanh nhấn mạnh.
Đừng đánh đổi lợi ích
Thế nhưng, nhìn nhận ở góc độ khác, theo vị KTS trên, mục tiêu của dự án cũng phải được nêu ra ngay từ ban đầu, không nên lấy lợi ích BĐS để tìm kiếm lợi ích, rồi giao cho các Công ty, Tập đoàn, tiếp tay cho việc ném tiền qua cửa sổ.
Cái chính là phải nghĩ tới vấn đề an toàn, chặn lũ, lợi ích quốc gia, còn nếu chỉ vì đồng tiền trước mắt mà làm hỏng một dòng sông đẹp đi vào thành phố là hoàn toàn không được. Bản thân ông Hanh cũng không chấp nhận quan điểm thực dụng, chiếm một vài dự án BĐS xây lên, rồi lại lấp đi.
"Khi nhắc đến dự án này, tôi chỉ quan tâm, tất cả các thông số, quy định của quy hoạch chung, tần số xả lũ, tần suất ngập úng, đều phải được tôn trọng, không được phủ nhận.
Nguyên tắc ở đây là vấn đề an toàn, vấn đề sinh thái - bền vững, an sinh xã hội, lợi nhuận trong điều kiện có thể.
Cùng với đó, các đóng góp dành cho dự án 22 năm qua là bài học sâu sắc, chúng tôi hoan nghênh nếu chính quyền đô thị HN quyết tâm làm, sẽ là cứu cánh cho HN, vì đây là phân khu khó nhất, nhưng nên cẩn trọng.
Khi làm một quy hoạch, bên cạnh lợi ích quốc gia, lợi ích thành phố, có lợi ích cộng đồng, dân cư, gọi là quy hoạch tham dự, đa chiều, tham vấn lúc cần thiết. Tất cả phải tham vấn lợi ích, tham vấn kỹ thuật, trong muôn vàn công nghệ, phải tìm công nghệ tối ưu nhất, phải tạo được sự đồng thuận để làm.
Hãy tham vấn huy động trí tuệ cộng đồng, trí tuệ chuyên gia, thể hiện sự quyết tâm chính trị. Mở ra cuộc thi tuyển chọn các phương án dành cho dự án, rồi lựa chọn phương án thích hợp nhất", Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc HN phân tích.