Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được nghiên cứu, bổ sung một số nội dung nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Kinh doanh BĐS hiện hành, bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, cụ thể: Bảo đảm việc đầu tư kinh doanh BĐS phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư BĐS tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa BĐS; Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện; Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế; Mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai; Bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS; Quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới BĐS…
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các loại nhà, công trình được đưa vào kinh doanh; Hồ sơ của BĐS đã hình thành và BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh; Bổ sung nội dung về chuyển nhượng; sửa đổi các quy định về dịch vụ định giá BĐS, đấu giá BĐS, quảng cáo BĐS phù hợp, thống nhất với pháp luật về giá, bán đấu giá tài sản, pháp luật về quảng cáo…
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, Dự thảo Luật (sửa đổi) đều nhận được sự nhất trí cao với các nội dung đã được điều chỉnh, bổ sung. Hầu hết các ý kiến đều tán thành quan điểm cần tạo điều kiện cho thị trường BĐS nói chung và hoạt động kinh doanh BĐS nói riêng phát triển hiệu quả, ổn định, công khai, minh bạch; Quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường BĐS… Về phạm vi kinh doanh BĐS của người định cư ở nước ngoài, đồng tình với phương án 2 do Bộ Xây dựng đề xuất là quy định chung là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho thống nhất với Luật Đất đai 2013 và được quy định thành một khoản riêng.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo khi sửa dự án Luật cũng cần tập trung vào những điểm nghẽn của thị trường BĐS, từ đó đề ra các giải pháp để khơi thông thị trường. Đồng thời, Dự án Luật khi sửa đổi phải tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường BĐS, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động kinh doanh BĐS. Ngoài ra, một số vấn đề như giải thích khái niệm BĐS; Vấn đề về định chế tài chính, chứng chỉ môi giới BĐS; Xử lý thu hồi dự án BĐS… cũng cần được làm rõ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh BĐS với các đạo luật khác có liên quan như: Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư…
Tại phiên họp mở rộng Thẩm tra Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Luật được sửa đổi khá đồng bộ. Thường trực ban soạn thảo với tinh thần cầu thị đã tiếp thu và chỉnh sửa, bổ sung các ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo… Tuy nhiên, để lấy ý kiến trong phiên họp Ủy ban Thường vụ vào ngày 10/3 tới, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ. Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban kinh tế và các đại biểu; Đồng thời chú ý sửa đổi về phạm vi điều chỉnh nghiêm túc nghiên cứu và đưa ra phương án khả thi trên tinh thần phù hợp với các quy định của Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước khi trình ra Quốc hội.