Dự án khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ - khu hành chính TP.Long Xuyên và tỉnh An Giang được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2005, tới nay vẫn chưa hoàn thành. Khu đất 58ha này biến thành khu nuôi trâu với quy mô gần cả trăm con...

Dự án biến thành... bãi đất nuôi trâu.

Ngày 6.11, bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền - Chánh Thanh tra tỉnh An Giang - cho biết, cơ quan này đang tiến hành thanh tra những tồn tại liên quan đến dự án này.

Trước đó, Sở TNMT có tờ trình đề xuất với UBND tỉnh An Giang chỉ đạo thanh tra việc tạo quỹ đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) nhằm phát hiện xử lý sai phạm, tồn tại; chỉ đạo sở rà soát, xây dựng phương án bốc thăm lô nền tái định cư bảo đảm đúng quy định pháp luật, không để thành “điểm nóng” phát sinh khiếu nại kéo dài.

Cho đến nay, toàn bộ dự án vẫn là một bãi đất trồng toàn cột điện, cỏ dại mọc chen với đầm lầy. Tận dụng cỏ non, người dân thả trâu nuôi vỗ béo ngay trên dự án. Những vị trí dự kiến bố trí nền tái định cư cho dân (634 nền) thì mới hoàn thành 3 khu nhưng hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, không có lối vào.

Ông Lê Văn Hằng - người dân trong vùng dự án - cho hay, năm 2007 Trung tâm PTQĐ tỉnh thỏa thuận bằng văn bản đổi đất để nhận 3 nền nhà, đến nay ông vẫn chưa biết sẽ được nhận nền tái định cư ở đâu. “Bao năm qua cứ lây lất trong khu quy hoạch treo, rồi cứ mãi lây lất giữa bãi cát trống như thế này, phải nói là quá đỗi cơ cực” - ông Hằng nói.

Bà Trương Thị Chiên - hàng xóm của ông Hằng - cho biết, gia đình bà có 8 người, phải sống chui rúc trong cái nhà không biết sập lúc nào, bởi nền tái định cư chỉ nghe hứa suốt mấy năm rồi mà không thấy giao. “Tui già quá rồi, nói riết mệt nên mặc kệ, mấy ông cán bộ muốn làm gì thì làm. Chỉ khổ cho mấy đứa cháu của tui, mới 2 - 3 tuổi đầu phải sống lây lất cùng người lớn” - bà Chiên bộc bạch.

Kề nhà bà Hằng, vợ chồng ông Dương Văn Diệu (72 tuổi) và 2 gia đình khác phải sống đùm túm trong một căn nhà nhỏ xíu để “chờ giao nền”. Nhiều ông già bà lão, sau khi giao đất cho dự án, mấy năm nay phải sống cảnh “nhà trọ, cơm bụi” y như... sinh viên.

Nhiều người sau khi giao đất, không chỗ ở lại lâm vào cảnh thất nghiệp, đời sống khó khăn dần trở nên nghèo nên chính quyền phường Mỹ Hòa phải hỗ trợ. Thậm chí, nhiều trường hợp phải cắn răng “bán non” nền tái định cư để đi nơi khác sinh sống chứ không còn sức chờ đợi.

Hữu Danh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án