Nhà Sử học Dương Trung Quốc đã từng tham gia ý kiến vào các "vụ” xung quanh khu vực Hồ Gươm, như vụ Khách sạn Hà Nội Vàng (vi phạm chiều cao và thể khối quá lớn), cải tạo nhà "Khai Trí Tiến Đức”(vi phạm chiều cao và bảo tồn giá trị kiến trúc), công trình "hàm cá mập”- kiến trúc gây phản cảm...

Vì vậy, việc dự định xây một Trung tâm thông tin văn hóa bên Hồ Gươm, cạnh không gian Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục lần này cũng được ông dành sự quan tâm đặc biệt. Trao đổi với ĐĐK, ông cho biết, ông đã gặp lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Theo ông, lãnh đạo quận cần chủ động thông tin rộng rãi việc này và lãnh đạo thành phố cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định.

Không gian Hồ Gươm rất thiêng liêng, khi xây dựng công trình
tại khu vực này cần hết sức cẩn trọng
Nhiều nhà báo theo dõi văn hóa còn nhớ cách đây mười mấy năm, chỉ trong 1 tuần người ta tính được có hơn 400 bài báo (vào thời chưa có báo điện tử) lên tiếng về việc xây dựng khách sạn "Hà Nội vàng” bên Hồ Gươm. Cũng như công luận sau đó ầm ĩ chẳng kém vụ tòa nhà "Hàm cá mập”. Nhắc lại như thế để thấy Hồ Gươm và Hà Nội nói chung với sứ mệnh mà lịch sử đặt lên vai - là nơi mà mọi trái tim người Việt hướng về và sẽ luôn chạm đến trái tim mỗi người khi Hà Nội có nguy cơ mất đi một giá trị văn hóa nào đó.
Cuộc trò chuyện này được thực hiện bên Hồ Gươm – nơi nhà sử học Dương Trung Quốc từng cùng chúng tôi nói về những chuyện như thế. Để rồi lại thêm lần này, trước việc Hà Nội đang định xây một Trung tâm văn hóa bên Hồ Gươm, cạnh không gian Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
PV: Thưa ông, đây không phải lần đầu tiên chúng ta phải bàn chuyện Hồ Gươm. Từ "Hà Nội vàng” tới "hàm cá mập” và nhiều dự án khác, không gian Hồ Gươm luôn luôn bị đe dọa "xẻ thịt”…
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cũng dễ hiểu, một không gian văn hoá luôn chứa đựng những giá trị kinh tế. Nó là nơi thu hút người dân và du khách trước hết vì những giá trị văn hoá, nhưng những người đó cũng có thể là khách hàng cho việc mua sắm và sử dụng dịch vụ. Hồ Hoàn Kiếm tự nó cũng đã là một "thương hiệu” lớn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Trong trường hợp cụ thể là Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, ông có thể nói rõ hơn quan điểm của cá nhân ông, người đầu tiên gửi thư tới lãnh đạo Hà Nội, và đặt vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội?
- Quanh không gian này, với tư cách là người hoạt động trên lĩnh vực văn hoá hay Hội nghề nghiệp, tôi cũng đã tham gia vào nhiều công việc của cộng đồng với ý thức bảo tồn những giá trị văn hoá và di sản như các "vụ”: Khách sạn Hà Nội Vàng (vì vi phạm chiều cao và thể khối quá lớn), cải tạo nhà "Khai Trí Tiến Đức”( vì vi phạm chiều cao và bảo tồn giá trị kiến trúc), công trình "hàm cá mập” vì kiến trúc gây phản cảm... Việc xây công trình mà ta đang bàn đến cũng đã một lần phải dừng, nay thấy tái khởi động lại có cả khiếu kiện của dân nên tôi phải vào cuộc.
Trước hết là việc chuyển đơn của dân, sau đó là một bức thư gửi Chủ tịch thành phố liên quan đến cả những nội dung khác. Bên lề diễn đàn Quốc hội tôi chỉ trao đổi với một vài vị trong Đoàn Hà Nội. Vì quan tâm đầu tiên của tôi là tại sao không chủ động công bố thông tin theo luật định. Vụ Hà Nội Vàng cũng bắt đầu từ việc công trình không tuân thủ quy định là phải công khai bản vẽ phối cảnh và các chỉ số thiết kế cho mọi người được biết... Hà Nội gần đây đã chủ động tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn và rộng mở với dư luận nên có việc tưởng khó cũng tìm ra cách. Ví như việc xây cầu vượt Đàn Xã Tắc hay gần đây nhất là dự kiến xây cầu đường sắt qua Sông Hồng trong mối tương tác với Cầu Long Biên...Cụ thể hơn là với việc giám sát đối với các cơ quan hành pháp, thì việc đầu tiên là tính hợp pháp liên quan đến một công trình xây dựng và các quy trình cần thiết đối với một công trình văn hoá và lại liên quan đến một không gian nhạy cảm.
Điều đáng nói là lãnh đạo thành phố (ông Chủ tịch) đã hồi âm sớm bằng thư ghi nhận và lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng nhanh chóng tiếp xúc đáp ứng các thông tin bằng văn bản và những tài liệu liên quan. Việc tiếp xúc với báo chí mới đây là tích cực, chỉ có điều lẽ ra nên sớm hơn.
Xung quanh khu vực đó, liệu chúng ta có cần tới một trung tâm văn hóa nữa không, khi gần đó một trung tâm văn hóa khác cạnh tượng Vua Lê Thái Tổ (trước là Trung tâm phương pháp Câu lạc bộ) hiện đang được cho thuê làm hàng café, đối diện bên kia là Trung tâm thông tin triển lãm Thành phố ở vị trí hơn cả vàng, một mặt là phố Đinh Tiên Hoàng, một mặt Tràng Tiền èo uột với những triển lãm ít người xem, thưa ông!
- Thực ra một trung tâm văn hoá riêng cho Hồ Gươm thì chưa có, còn các không gian có thể sử dụng làm trung tâm như Nhà Khai trí Tiến Đức cũ, hay Nhà Triển lãm Thành phố thì cả hai địa điểm đó lại thuộc quyền quản lý không phải của quận (hoặc của thành phố, hoặc của Bộ VHTT&DL. Trong thư tôi có gợi ý tại sao không dùng ngay chính trụ sở Quận vừa xây, nhưng lãnh đạo Quận cũng cho tôi tiếp cận tận nơi để chứng minh về diện tích, cũng như công năng khó có thể sử dụng trụ sở làm trung tâm văn hoá.
Bên ngoài dự án công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm. Ảnh: Hoàng Long
Thưa ông, nếu ta vẫn tiếp tục tư duy như hiện nay là nhân danh những công trình văn hóa để nhồi tiếp vào không gian Hồ Gươm những dự án, chúng ta liệu đã ứng xử đúng với lịch sử, hiện tại và tương lai?
- Đúng là cần có quy hoạch tổng thể hợp lý với ưu tiên cho không gian sinh thái, hạn chế các công trình xây dựng nhưng cũng phải hoàn thiện các không gian hiện có mà chính địa điểm dự kiến xây trung tâm từ nhiều năm nay là điểm nóng vì sự lộn xộn và xấu xí. Vấn đề là giải pháp lựa chọn giữa một công viên hay một công trình xây dựng đi cùng với các công năng của nó là điều nên cân nhắc. Chỉ với một quy hoạch tổng thể cả khu Hồ Gươm thì mới giải quyết được căn bản, mà điều đó không thuộc quyền của quận quản lý địa bàn. Ví như ai cũng thấy cây đa cổ thụ trong khuôn viên của Báo Nhân Dân là một phần cấu thành của không gian lịch sử, nhưng để đánh thông từ Hàng Trống ra Bờ Hồ thì không đơn giản chút nào, trừ một giải pháp tổng thể...
Còn những điều gì đáng tiếc quanh Hồ Gươm, dưới góc độ của nhà sử học mà đáng lẽ chúng ta nên làm, nên phục dựng, nên gìn giữ thay vì xây mới như hiện nay, thưa ông?
- Đây là không gian quan trọng nên đã nhiều lần được thành phố, các ngành có liên quan như kiến trúc, quy hoạch, sử học, bảo tồn... đưa ra nhiều dự án, hay khuyến nghị nhưng cho đến nay tất cả làm chưa được bao nhiêu, chỉ là những chỉnh trang hoặc điều chỉnh từng phần nhỏ. Cần ghi nhận là gần đây, quận Hoàn Kiếm đã chủ động tổ chức hội thảo về việc này và tỏ rõ quyết tâm sẽ nâng cao chất lượng và năng lực quản lý không gian này. Đó là điều đáng ghi nhận và cần sự hợp tác của xã hội. Theo tôi, việc dư luận quan tâm đến công trình xây dựng Trung tâm này cũng không ngoài mục tiêu đó. Riêng với không gian Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục lại là cầu nối với Khu di sản phố cổ càng cần phải quan tâm một cách ưu tiên, nhưng nên thận trọng.
Ông nói gì về cách trả lời của Hà Nội trong buổi thông tin về sự việc này với báo chí vừa qua?
- Tôi không được dự cuộc họp báo, nhưng những nội dung trong văn bản quận gửi cho tôi cũng như những cuộc gặp và tiếp cận với những tư liệu liên quan cho thấy, lần này về căn bản quận đã tuân thủ những quy định về pháp luật. Nếu chủ trương xây dựng thuộc quyền phê duyệt của lãnh đạo thành phố không đổi thì về căn bản các chỉ tiêu kiến trúc và công năng của công trình là không vi phạm. Tuy nhiên, với nguyện vọng của nhiều người dân trong đó có tôi và một số ngành có liên quan là nên xây công viên với ý nghĩa gắn với Quảng trường, lãnh đạo thành phố nên cân nhắc một lần nữa trước khi có quyết định cuối cùng.
Được biết, sắp tới Hà Nội sẽ mời ông để trao đổi ý kiến. Ông sẽ thể hiện quan điểm thế nào trong vấn đề này? Giả sử chính quyền thành phố vẫn tiếp tục cho xây công trình này, theo ông, dư luận nên có thái độ thế nào?
- Tôi đã gặp lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và tôi dự kiến sẽ có một cuộc gặp nữa cùng với một vài người đến trao đổi thêm một lần nữa với lãnh đạo quận để tìm sự đồng thuận cao. Lãnh đạo quận tỏ rõ sẵn sàng đáp ứng. Chỉ có tìm được sự đồng thuận cao thì công trình mới thực sự phát huy vai trò của nó như mong muốn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tôn trọng quyền quyết định (cũng là trách nhiệm) của những cơ quan có trách nhiệm.
Thưa ông, nếu nhìn ở góc độ người dân, ông cho rằng nhân dân có cần những dự án người ta đang làm không? Và nếu làm mọi việc xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, chúng ta nên ứng xử với Hồ Gươm cũng như các không gian công cộng khác như thế nào?
- Dù là Đại biểu Quốc hội, nhưng tôi không có công cụ để nhân danh nhân dân trong vụ việc cụ thể này. Công cụ ấy là sự thăm dò ý dân. Ở các nước, việc lớn người ta tổ chức trưng cầu dân ý; việc nhỏ hơn có thể tổ chức điều tra dư luận (một cách khách quan, độc lập). Ở ta chưa có tập quán này thì việc minh bạch hoá (chủ động chia sẻ thông tin) sẽ dễ tìm đồng thuận hơn. Ví như, với công trình này khi chủ trương tái khởi công, lãnh đạo quận chủ động đưa ra và tranh thủ dư luận thì có thể sẽ nhận được sự chia sẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, với những động thái quận triển khai gần đây, tôi tin rằng cuối cùng sẽ có giải pháp thoả đáng. Cho đến thời điểm này, tôi mới chỉ thực hiện trách nhiệm đối với những cử tri có văn bản khiếu nại, và với ý thức của một công dân hoạt động trên lĩnh vực văn hoá.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cẩm Thúy (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án