Đây là một trong những điểm mới được đề cấp đến trong dự thảo Luật Đất đai đang được Quốc hội bàn bạc, theo đó sẽ thu hồi các dự án không thực hiện đầu tư trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Theo tinh thần của Điều 52 trong dự thảo thì người bị thu hồi đất trong các trường hợp trên sẽ “không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp; không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất”.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án sắp tới, theo đó chủ đầu tư phải ký quỹ thực hiện dự án, phải có năng lực tài chính để sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư. Điều này có nghĩa thị trường sẽ hạn chế bớt những chủ đầu tư không chuyên nghiệp.
Liên quan đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, dự thảo luật chưa đề cập cụ thể như tinh thần của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI vừa qua.
Theo định hướng này thì việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do “nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng để tạo quỹ đất; trực tiếp thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, giải tỏa, đền bù…không để các nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất về giá đền bù, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Theo quy đinh hiện nay thì nhà nước thu hồi đất, giao đất cho các trường hợp sử dụng đất vào mục đích công cộng, an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia… Còn lại các trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh tế như sử dụng đất làm nhà ở thì chủ đầu tư được phép tự thỏa thuận với người dân có đất.
Để thực hiện điều này, các chủ đầu tư ứng trước tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, sau đó nhà nước sẽ thanh toán lại và khấu trừ vào tiền sử dụng đất.
Một điểm nữa được dự thảo đề cập đến là trước khi thu hồi đất làm dự án thì việc tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở phải được thực hiện trước, chứ không được lấy đất làm dự án rồi để người dân mòn mỏi chờ nhà tái định cư.