Đô thị quy mô, hiện đại
UBND TP. Hồ Chí Minh đã công bố Quyết định phê duyệt đồ án khu Trung tâm hiện hữu thành phố. Theo đó, diện mạo mới của TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều thay đổi về cảnh quan, nhưng vẫn đảm bảo hài hòa kiến trúc tổng thể với năm phân khu trung tâm.
Phân khu một là trung tâm thương mại tài chính, phát triển với chức năng kinh doanh, thương mại, hành chính và dịch vụ công cộng. Phân khu hai là trung tâm văn hóa lịch sử, phát triển đa dạng văn hóa, du lịch, dân cư và giáo dục. Phân khu ba bao bọc bởi khu bờ Tây sông Sài Gòn, với nhiều chức năng tổng hợp. Phân khu bốn bao gồm các khu thấp tầng, trong đó có nhiều biệt thự từ thời Pháp sẽ được bảo tồn, cùng với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng. Phân khu năm được xác định là khu lân cận trung tâm phát triển kinh doanh, thương mại tiếp nối từ phân khu một.
Tuy nhiên, theo xu hướng chung của một thành phố văn minh hiện đại vào bậc nhất nước, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển nhà cao tầng, thay vì dàn trải các khu nhà thấp tầng, nhà liên kế trên diện tích đất ngày càng giới hạn hiện nay. Ngoài ra, các dự án sẽ thu hút đầu tư tập trung vào khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn (khu vực Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn…). Bên cạnh đó, nhiều khu đi bộ, khu mua sắm, bãi xe, tàu điện ngầm của thành phố cũng sẽ song song được xây dựng, tạo nên một quần thể đa dạng về kiến trúc gắn liền với hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, đồ án nằm trong tổng thể quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 (Quyết định số 24/QĐ - TTg), đang tiếp tục được thành phố triển khai theo từng giai đoạn, hạng mục cụ thể. Trong đó, với quy hoạch này, Chính phủ đã xác định TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu khu vực và quốc tế... Đặc biệt, việc phát triển hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại trên nền tảng phát huy đặc thù sông nước, tạo sự hấp dẫn, thu hút cho bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố.
PGS-TS. Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) cho biết, quy hoạch mới của TP. Hồ Chí Minh từ sau 1975 đến nay đã có nhiều thay đổi theo hướng quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng mang tính chất đặc thù riêng của thành phố, phù hợp với tiến trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, những quy hoạch kiến trúc mới, thay đổi theo từng giai đoạn của TP. Hồ Chí Minh trong vòng vài chục năm qua, như Đồ án quy hoạch tổng mặt bằng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010 được phê duyệt năm 1993; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, phê duyệt năm 1998; và gần đây nhất là Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 được phê duyệt năm 2010.
Nhìn chung, các đồ án quy hoạch đã đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế qua từng giai đoạn cụ thể của thành phố, phát huy và bảo tồn được quy hoạch, cơ sở hạ tầng vốn có, cũng như nét đẹp kiến trúc của Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” trước đây.
Bảo tồn giá trị kiến trúc
Theo ý kiến của một số chuyên gia, sở dĩ quy hoạch TP. Hồ Chí Minh phải có sự thay đổi, điều chỉnh qua các thời kỳ do nhu cầu tự thân của thành phố để theo kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và yêu cầu phát triển ngày một cao. Song, một yếu tố được nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước thống nhất cao là việc quy hoạch phát triển, chỉnh trang bộ mặt thành phố mới phải bảo tồn được các giá trị cảnh quan, công trình kiến trúc, nâng cao giá trị sông nước vốn được coi là nét đặc trưng của khu vực Nam bộ nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Cụ thể, ngoài phát triển các khu đô thị dân cư mới với phần lớn là các tòa nhà cao tầng theo phong cách hiện đại, thành phố vẫn “khoanh vùng” các khu trung tâm để bảo tồn các công trình kiến trúc mang tính đặc trưng, đậm giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố như Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng, kênh Tàu Hũ, Nhà thờ Đức Bà… Nhiều khu vực sông nước ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, biển Cần Giờ, ngoài phát triển giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa, thành phố còn phát triển kết hợp vùng sinh thái, du lịch sông nước.
Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù tiến trình phát triển và công tác bảo tồn luôn nảy sinh những vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí có cả những tổn thất sau khi tiến hành những cái mới. Nhưng để giải quyết được cả hai yếu tố này một cách hài hòa, đòi hỏi không những cần có một kiến trúc sư trưởng tài ba mà còn cả sự tham gia góp sức của nhiều khối óc sáng tạo, tổ chức về không gian, kiến trúc và một tầm nhìn dài hạn. Bởi có những điều tưởng chừng như khó có thể song hành, dung hòa được trong cùng một mục tiêu nhưng điều này lại đang diễn ra trong quá trình đổi mới, chỉnh trang lại đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, không chỉ có một đường hầm vượt sông hiện đại vào bậc nhất Đông Nam Á ngay bên cạnh những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của Sài Gòn xưa, mà ngay trong lòng thành phố, rất nhiều công trình giao thông, hạ tầng đang được xây dựng trên nền tảng hài hòa với những công trình kiến trúc xây dựng cần được giữ gìn, bảo tồn. Như trong tương lai không xa, hệ thống đường sắt ngầm cũng sẽ hiện diện ngay bên hông của chợ Bến Thành. Hoặc, những công trình cao tầng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại nằm ngay sát Nhà thờ Đức Bà cổ kính. Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố, điều quan trọng hơn cả vẫn chính là việc thay đổi, quy hoạch thành phố theo hướng mới phải đem lại lợi ích cả về mặt kinh tế, cũng như các giá trị về mặt tinh thần cho cư dân.
Về vấn đề này, theo quan điểm của HIDS, bảo tồn và phát triển là hai mặt của vấn đề mà bất cứ đô thị nào cũng phải đối mặt trong suốt quá trình hình thành và phát triển của TP. Hồ Chí Minh, nhưng cũng có nhiều cơ hội để hòa hợp với nhau. Vấn đề quan trọng là cần quan tâm và cân đối giữa trách nhiệm và lợi ích của tất cả các nhóm liên quan như chủ sở hữu, nhà đầu tư, Nhà nước và cộng đồng. Chính sách Nhà nước, nguồn lực của khu vực tư và cộng đồng, sự phản biện của tất cả các thành phần xã hội có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành giải pháp tối ưu cho việc phát triển kiến trúc và bảo tồn di sản đô thị. Chính vậy, điều mà HIDS quan tâm không phải quy hoạch ra sao mà chính là khâu tổ chức thực hiện, biến các quy hoạch đó thành động lực phát triển như thế nào.
Ngày 6/1/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015). Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch TP. Hồ Chí Minh đến 2020 là 210.155 ha. Trong 5 năm kỳ đầu, diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp là 36.454 ha, diện tích đất chưa sử dụng sẽ đưa vào sử dụng cho nông nghiệp và phi nông nghiệp. Vị trí các loại đất trong quy hoạch được xác định trên bản đồ quy hoạch đất đến 2020, tỷ lệ 1/50.000… Chính phủ giao UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định rõ ràng ranh giới và công khai diện tích đất cần bảo vệ, chủ động thu hồi đất theo quy hoạch và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trên địa bàn. |