Trao đổi với phóng viên báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, nội dung của các câu hỏi gửi tới ngành tài nguyên và môi trường tập trung chủ yếu vào các vấn đề chính là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), những vướng mắc trong việc giao đất cho thuê đất tại các địa phương.
- Xung quanh câu chuyện một số nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội, người dân muốn cầm sổ đỏ trong tay phải bỏ ra một khoản “phí bôi trơn” đang gây xôn xao dư luận, đến thời điểm này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đến đâu, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Như chúng ta đã biết, trước sự việc này, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ráo riết và thành lập đoàn thanh tra kiểm tra sự việc. Theo tôi được biết thì theo kế hoạch, đầu tháng Mười một sẽ có kết luận thanh tra.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi cũng đã có văn bản đôn đốc thành phố Hà Nội phải thanh tra và báo cáo kết quả. Trên cơ sở đó, khi có kết luận thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo đến các phương tiện thông tin đại chúng trong các cuộc họp tới.
Cũng liên quan đến “phí bôi trơn,” nhưng hiện có nhiều chủ đầu tư gây khó cho người dân khi không có “phí,” khiến họ khó có thể làm sổ đỏ, quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Thực ra việc cấp sổ đỏ cho người dân ở các dự án xây dựng nhà ở tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo tôi được biết, một trong những nguyên nhân chậm cấp sổ đỏ là do sai phạm của chủ đầu tư. Ví dụ: không thực hiện đúng theo thiết kế, không nộp quyền sử dụng đất dẫn đến việc chậm cấp sổ đỏ.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm rất tích cực và đã có kết quả rất khả quan.
Theo Luật Đất đai 2013, các hộ dân mua nhà mà không vi phạm pháp luật (không cơi nới, không gây ảnh hưởng khác) và đã nộp tiền cho chủ đầu tư, hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ liên tục cập nhật các thông tin từ tài liệu để lời cho doanh nghiệp, nhân dân.
Riêng với các chủ đầu tư thu thêm “phí” của dân, việc này là trái pháp luật. Vấn đề này, thành phố Hà Nội cũng đang chỉ đạo để thanh tra. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiếp tục thanh tra một số dự án, nếu dự án nào vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo đúng những quy định của pháp luật.
- Không riêng gì Hà Nội, tại nhiều địa phương, một số cán bộ vẫn còn câu giờ chờ “phí bôi trơn” khi làm sổ đỏ, Thứ trưởng đánh giá thế nào về thực tế này?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Hiện nay trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất chú ý trong việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu các địa phương công khai thủ tục hành chính. Hiện các địa phương cũng đang thực hiện tốt việc này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng có thể có những công chức chưa hoàn thành trách nhiệm của mình mà đặc biệt là năng lực, phẩm chất. Điều này chỉ thông qua kiểm tra công vụ mới có thể phát hiện ra.
Vì thế, người dân hoặc doanh nghiệp nếu thấy có trường hợp nhũng nhiễu, vòi tiền thì để nghị phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như phản ánh về Ủy ban Nhân dân các cấp để chúng ta xử lý kịp thời.
- Tuy nhiên, thực tế việc phát hiện sai phạm đã khó, tố cáo và xử lý lại lại càng khó hơn, vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp nào để xử lý cá nhân, tổ chức nếu phát hiện hiện tượng đòi “phí bôi trơn”?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Hiện nay phần nhũng nhiễu chủ yếu ở các dự án nhà ở. Tôi cho rằng, lỗi không phải ở cơ quan tài nguyên và môi trường mà lỗi chính là ở chủ đầu tư. Vì thế, những chủ đầu tư nào chậm cấp sổ đỏ cho nhân dân thì sẽ công khai trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như website của Ủy ban Nhân dân các cấp. Mặt khác, những trường hợp vi phạm đó sẽ không được tiếp tục giao các dự án nữa.
- Tính đến thời điểm này, số lượng câu hỏi người dân và doanh nghiệp gửi tới chương trình giao lưu trực tuyến của ngành tài nguyên và môi trường vẫn tiếp tục tăng lên, vậy với lượng câu hỏi nhiều như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xử lý như thế nào trong thời gian một ngày?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Theo dự kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cố gắng trả lời hết các câu hỏi mà doanh nghiệp và người dân gửi đến trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến chính sách, pháp luật. Còn lại, với những câu hỏi cụ thể, trường hợp cụ thể, chúng tôi sẽ chuyển về sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trả lời.
Thêm vào đó, chúng tôi cũng sẽ đôn đốc các địa phương phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp tất cả các ý kiến thắc mắc, câu hỏi của người dân gửi đến. Sau khi kết thúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức các buổi giao lưu sau tốt hơn./.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tháng 12/2005 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công 14 đợt giao lưu trực tuyến với gần 500.000 lượt người truy cập vào hệ thống giao lưu trực tuyến của bộ và gần 550.000 lượt người truy cập vào các trang giao lưu trực tuyến của các sở tài nguyên và môi trường. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận và trả lời trên 13.000 câu hỏi.
-
Xử lý thế nào đối với trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi bán cho người khác?
UBND thành phố Bảo Lộc vừa báo cáo một số nội dung về sự bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai.
-
Hạn chót báo cáo Chính phủ kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo về Luật đất đai (sửa đổi)
Thủ tướng ấn định thời hạn Bộ TN&MT phải trình lên dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là 1/4, trong đó báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này. Theo thống kê của Bộ TN&MT, cơ quan đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến đóng góp của người dân....
-
Đề xuất ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần
HoREA đề xuất không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần.