Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) xung quanh vấn đề này.
-Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô đã được nhiều đô thị thực hiện. Tuy nhiên, nhiều lô đất nằm ở “vị trí vàng” và sẽ là một nguồn tài nguyên để thu hút đầu tư. Theo ông, bài toán cần được giải thế nào để vừa tận dụng được nguồn lực vừa không phá vỡ quy hoạch đô thị?
Ông Trần Ngọc Chính: Trong quy hoạch của các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, khi làm quy hoạch, chúng tôi đã xác định vấn đề phải di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô. Phần đất đó về nguyên tắc là để xây dựng cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng.
Việc này, đáng ra với những thành phố có chủ trương như vậy thì phải có quy hoạch từ trước. Các vị trí sau khi di dời phải xác định rõ ràng là để làm gì và việc này phải có cộng đồng dân cư đánh giá, biết rõ để tạo nên cơ sở phục vụ người dân.
Thực tế, các nhà đầu tư đều biết tiềm năng của các vị trí “đất vàng” đó nên nếu không quản lý chặt theo quy hoạch thì sẽ xảy ra việc chiếm dụng để sử dụng sai mục đích. Điều này cũng đã từng xảy ra.
Hiện cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều đang vướng mắc khâu này. Bởi vậy, khi làm quy hoạch lại càng phải quan tâm đặc biệt đến những mảnh đất cần di dời để biến thành những không gian công cộng phục vụ người dân.
Mục đích di dời là để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân khu vực tiếp giáp và lân cận. Còn nếu ta không làm như vậy được thì có khi nó sẽ biến tướng thành cái nọ cái kia gây bất lợi cho người dân.
-Là một chuyên gia lâu năm trong ngành quy hoạch, ông có khuyến cáo hay lời khuyên nào cho chính quyền đô thị trong việc giải quyết những vướng mắc giữa quản lý với hoạt động đầu tư xây dựng?
Ông Trần Ngọc Chính: Tôi nghĩ, hiện Việt Nam có khoảng 802 đô thị rồi; trong đó chỉ có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số đô thị loại 1 là các thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện đô thị loại 1 thì chưa có vấn đề gì lớn nhưng hai đô thị đặc biệt thì cần phải quan tâm. Trước hết, những nhà quản lý ở hai đô thị này cần hết sức bình tĩnh để nhìn lại những gì đang diễn ra hiện nay và phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch.
Bắt đầu đi từ quy hoạch chung tới quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và điều lệ quản lý đô thị… Trên cơ sở đó, xác định cái nào đang đúng và cái nào đang sai. Nếu đúng thì làm tiếp, còn phát hiện cái sai thì phải tiếp tục có hướng tháo gỡ.
Đơn cử như những dự án cấp không đúng, khi người dân có ý kiến thì cũng phải dừng lại để xem xét dù trước đó đã quyết rồi. Vậy nên, cho dù có cấp phép rồi mà giờ thấy sai thì vẫn phải quyết tâm và can đảm để dừng lại.
Tức là, chúng ta phải bình tĩnh và xem xét lại tất cả những việc mình đã làm, có vận dụng từ lý luận, thực tiễn, xin cả ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành… Từ đó, chính quyền các đô thị tổng hợp lại để có ý tưởng và phương án tốt nhất để chỉ đạo thực hiện thì sẽ gia tăng hiệu quả, dễ thuyết phục hơn.
-Hiện dư luận đang rất lo lắng về việc Hà Nội sẽ có cụm công trình cao 50 tầng ở khu vực Giảng Võ. Dưới góc nhìn của nhà quy hoạch có thâm niên, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Trần Ngọc Chính: Tôi nghĩ, các công trình về mặt lý thuyết đô thị là không được. Trước hết, về khu đô thị lịch sử thì chúng ta không thể tiếp tục cho thêm người vào. Đó là nguyên tắc.
Thứ hai, vị trí nằm trong vành đai 1 và nằm trong khu đô thị lịch sử thì khu vực đó không thể xây quá cao tầng và đưa quá nhiều dân cư vào ở được. Việc này là làm ngược lại với Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức bình tĩnh nghiên cứu lại dự án này và tìm cách khắc phục nó. Nếu không điều chỉnh mà cứ bê nguyên đề xuất của dự án vào thực hiện thì sẽ gây áp lực rất lớn cho giao thông cũng như cuộc sống người dân.
Đặc biệt, người dân sinh sống tại khu vực này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và không thể để những dự án theo kiểu như thế tùy tiện phát triển ở Hà Nội.
-Hiện nguồn vốn dành cho đầu tư hạ tầng rất lớn nhưng lại chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Vậy thì mấu chốt ách tắc đang nằm ở đâu và cần giải quyết ra sao, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Chính: Nhà nước và chính quyền đô thị đã phải rót nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt ở hai đầu tàu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kết quả nhận được lại chưa như mong muốn.
Ví dụ như tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều tỷ đồng cho các công trình chống ngập, triều cường, đối phó với nước biển dâng. Các hạng mục công trình đã được thực hiện rất nhiều nhưng mưa vẫn ngập, thậm chí không mưa cũng đã ngập vì biến đổi khí hậu với Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành vấn đề rất nan giải.
Còn với Hà Nội, nguồn vốn cũng dành đầu tư rất nhiều vào hệ thống đường, đường cao tốc, đường trên cao, các nút giao thông… cũng như mở thêm nhiều tuyến đường phố mới, nhưng tắc đường vẫn diễn ra thường xuyên.
Khi chưa giải quyết được những vấn đề khó khăn về đô thị, xã hội thì phải thừa nhận nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng chưa đem lại hiệu quả thiết thực như mong muốn.
Nên chăng phải tính toán lại cách đầu tư, có trọng tâm trọng điểm rõ ràng chứ không thể dàn trải được. Ví dụ, đầu tư đường sắt trên cao, cần tập trung trong thời gian ngắn. Hệ thống Metro nhất thiết phải sớm đưa vào vận hành vì vận hành được hệ thống này thì số đông người, sau này kết hợp với hệ thống xe bus để người dân di chuyển được sẽ giúp hạn chế một cách tối đa phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, cũng không thể chỉ đầu tư hạ tầng mà thiếu đi các giải pháp khác về giao thông như: điều tiết giao thông tốt; hạn chế nhập khẩu ôtô, xe máy…
Nếu phương tiện công cộng tốt, thuận tiện thì người dân sẽ chọn sử dụng như một thói quen, dần bỏ bớt phương tiện cá nhân, nhất là xe máy. Hiện nay, các đô thị lớn vẫn cứ làm các loại đường này, đường kia, xây thêm nhiều cầu vượt, hầm chui nhưng rồi đường vẫn tắc vì lượng phương tiện vẫn cứ gia tăng chóng mặt./.