Không phải ngẫu nhiên việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2003 lại nhận được khá nhiều sự quan tâm chú ý. Bởi việc sửa đổi này sẽ kéo theo sự điều chỉnh, sửa đổi một số điều trong các bộ luật quan trọng ra đời sau có liên quan mật thiết, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch Đô thị. Và cũng chính bởi mối quan hệ mật thiết này, việc sửa Luật Xây dựng càng trở nên khó khăn.

10 năm đi vào thực tiễn, Luật Xây dựng 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó hạn chế lớn nhất là chưa có cách thức quản lý đối với các nguồn vốn đầu tư khác nhau; công tác tiền kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng bị coi nhẹ; trao nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình, dẫn đến lãng phí, thất thoát vốn ngân sách nhà nước; tình trạng nợ đọng xây dựng kéo dài, đầu tư dàn trải, ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Chính vì vậy, việc sửa đổi là cần thiết. Nhưng đứng ra độc lập để tránh chồng chéo trong quy định, hay tiếp tục là một mắt xích trong hệ thống, liên quan đến nhiều luật khác, lại đang khiến các chuyên gia phải đau đầu.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã từng chỉ ra những mối quan hệ nhằng nhịt giữa Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu, khiến nhiều người ngạc nhiên về sự chồng lấn giữa 2 bộ luật tưởng chừng rất ít liên quan đến nhau.

Từ đó, có thể dễ dàng hình dung ra mối liên quan với các bộ luật khác cũng phức tạp không kém. Nhiều chuyên gia về xây dựng đã không ngần ngại đặt câu hỏi nên chăng Luật Xây dựng cần được xây dựng mới, kiên quyết gạt bỏ những vấn đề không liên quan, hoặc liên quan ít và tập trung vào những vấn đề trọng tâm. Điều này cũng tiến hành với những luật khác.

Thực tế đã cho thấy sự chồng chéo giữa các bộ luật hiện nay đã khiến không chỉ doanh nghiệp khi tiến hành dự án, mà ngay cả cơ quan chức năng khi tiến hành quản lý xây dựng từ Trung ương đến địa phương cũng đau đầu.

Vấn đề cần lưu ý trước khi sửa đổi Luật Xây dựng 2003 là rà soát lại các luật liên quan, phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa các luật, cũng như mức độ điều chỉnh của từng luật trong một vấn đề chung. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng mỗi lần sửa đổi, Nhà nước lại tiếp tục đau đầu bởi sự chồng chéo và bất hợp lý giữa các bộ luật và người dân, doanh nghiệp sẽ đỡ khổ hơn nhiều.

Nguyên Khôi (Sài Gòn đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.