04/04/2017 8:22 PM
Thị trường bất động sản đã từng diễn ra tình trạng doanh nghiệp đua nhau xin điều chỉnh quy hoạch dự án, khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, việc xin điều chỉnh quy hoạch dự án tràn lan sắp tới sẽ hết cửa, một khi Luật quy hoạch được thông qua.

Tình trạng doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch dự án diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, từ năm 2019, dự án sẽ "hết cửa" xin điều chỉnh dự án. . Ảnh minh họa.

Thông tin này vừa được Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định tại Hội thảo về Dự thảo Luật quy hoạch được tổ chức ngày ngày 4/4/2017.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông, cả nước hiện nay có đến 19.200 bản quy hoạch. Rất nhiều quy hoạch trong đó là quy hoạch ngành. Do có quá nhiều quy hoạch nên đã diễn ra tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch.

Ngoài ra, việc triển khai lập 19.200 bản quy hoạch rất tốn kém, nhưng giá trị của các quy hoạch trên đóng góp cho đất nước rất hạn chế, thậm chí cản trở sự phát triển của đất nước. Vì vậy, luật quy hoạch ra đời sẽ điều chỉnh tất cả các hạn chế và bất cập liên quan đến vấn đề quy hoạch hiện nay.

Ở lĩnh vực bất động sản, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định: Luật Quy hoạch chưa đụng đến từng dự án cụ thể, nhưng sẽ ảnh hưởng đến các hành vi của các dự án.

Cụ thể, việc điều chỉnh dự án, vấn đề khiến dư luận thời gian qua bức xúc sẽ rất khó thực hiện.

Hạn chế điều chỉnh dự án, nhưng với những dự án mới, ông Đông cho biết, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông, Luật Quy hoạch không "đụng" đến dự án cụ thể, nhưng hành vi của các dự án, bao gồm cả việc điều chỉnh quy hoạch sẽ bị giám sát và khó có thể thực hiện. Ảnh Thiều Quang

Ông Đông lấy dẫn chứng trước kia các chủ đầu tư, nhất là doanh nghiệp tư nhân xin được làm chủ đầu tư dự án đã rất khó, nhưng đến khi làm quy hoạch xây dựng còn khó hơn. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch mới đã tích hợp cả việc quy hoạch sử dụng đất lẫn quy hoạch xây dựng, nên doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian công sức.

Tại Hội thảo về Dự thảo Luật quy hoạch, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch đã chỉ ra bất cập trong lĩnh vực quy hoạch thời gian qua là quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện. Trong khi đó, tư duy về quy hoạch lại mang tư duy nhiệm kỳ. Vì vậy, quy hoạch có rất nhiều, nhưng nhiều quy hoạch trình xong thì xếp vào ngăn tủ, việc thực hiện rất yếu kém.

Từ thực trạng trên, ông Các cho rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch hiện nay là rất cấp thiết, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn mới phát triển đất nước từ 2021-2030.

Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì Việt Nam đã đổi mới từ năm 1986, nhưng thói quen quản lý vẫn theo kiểu bao cấp, muốn chi phối thị trường, nên làm gì cũng theo quy hoạch và kế hoạch.

Ngoài ra, mỗi bộ ngành, lĩnh vực đều có quy hoạch riêng, không được tích hợp dẫn đến quy hoạch chồng chéo, lãng phí và gây bức xúc.

Ông Liêm lấy dẫn chứng do chưa có tích hợp quy hoạch ngành nên nhiều quy hoạch cảng biển hiện nay, nhưng lại không có đường sắt. Hay như việc ngành điện, nước, giao thông, mỗi ngành đều có quy hoạch riêng, dẫn đến đào bới lung tung vì chưa có tích hợp quy hoạch hạ tầng chung…

Tại Hội thảo, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, với công nghệ hiện nay, cho phép làm quy hoạch tích hợp chính xác đến từng centimét lãnh thổ nên việc tích hợp quy hoạch như Luật quy hoạch hướng đến là rất cần thiết.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay theo ông Võ là mỗi bộ hiện nay đều muốn có quyền lực cao nhất, mỗi địa phương cũng có quyền lực cao nhất, lo Luật Quy hoạch được ban hành thì sẽ… mất việc làm.

“Vì vậy nhiều bộ ngành, địa phương hiện nay vẫn muốn giữ nguyên các quy định cũ, không muốn thay đổi”, ông Võ khẳng định.

Dự thảo Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 69 điều. Đến năm 2017, Dự thảo Luật Quy hoạch đã có 5 năm chuẩn bị, lấy ý kiến rộng rãi của nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia.

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 2, năm 2017 mới đây, Luật Quy hoạch đã được trình Quốc hội.

Theo kế hoạch dự kiến, Luật Quy hoạch sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019

Thiều Quang (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.