Thời gian vừa qua, việc triển khai nghị định 69/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường đối với các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án nhà ở đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM.

Thưa bà, tại nhiều doanh nghiệp bất động sản TPHCM đang gặp nhiều khó khăn do nghị định 69/NĐ-CP. Xin bà cho biết rõ hơn về nội dung này?

Kể từ khi nghị định 69 được ban hành và triển khai đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM gặp quá nhiều khó khăn do giá đất bị đẩy lên cao. Ngoài ra, còn gây ra rất nhiều bất cập khác.

Đơn cử, một khu đất 10.000 m2 doanh nghiệp đã đền bù với giá thương lượng với người dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của thành phố chỉ tính 30% đất ở, còn lại 70% diện tích cây xanh trường học, công trình công cộng… trong đó, 3.000 m2 đất ở được khấu trừ theo khung giá nhà nước khoảng 200.000 - 300.000 ngàn đồng/m2, tổng cộng doanh nghiệp được khấu trừ 600 triệu đồng. Trong khi đó, nếu quy ra tiền đền bù mỗi m2 đất doanh nghiệp phải trả có thể lên tới 5 triệu đồng/m2. Nếu quy ra doanh nghiệp mất đến mười mấy tỉ đồng.

Ngoài ra, còn 70% diện tích đất còn lại chưa xem xét đến và chỉ xem xét khi nào doanh nghiệp làm xong dự án, bán hết dự án và có lời thì mới được khấu trừ phần làm hạ tầng. Nếu doanh nghiệp lỗ thì sẽ không được trừ, phần này coi như mất hết.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến cuối tháng 3/2011, vẫn còn 46 dự án nhà ở đã hoàn thành thủ tục giao đất nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất do chờ xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường.

Nguyên nhân bởi những vướng mắc từ Nghị định 69/2009/NĐ-CP chưa được tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp sau khi thương lượng giá đền bù với dân hoặc bồi thường giải tỏa theo sát giá thị trường, còn phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Tuy nhiên giá thị trường là giá như thế nào thì vẫn chưa xác định

Từ thực tế này đưa đến tình trạng, hàng chục dự án đã sang tới cổng của sở tài chính, cục thuế rồi khi mà áp dụng nghị định này giá quá cao doanh nghiệp không thể nào chịu nổi và dừng lại không đóng tiền sử dụng đất.

Vậy, mong muốn nguyện vọng của các doanh nghiệp là như thế nào?

Trước những khó khăn như vậy, nguyện vọng của doanh nghiệp là khi nhà nước xem xét lại và có phép tính thế nào đó để cho hợp lý. Khi khấu trừ thì khấu trừ toàn bộ diện tích đã đền bù tính theo giá thị trường. Không để việc tính sát giá theo giá thị trường phần đất ở trong khi phần diện tích còn lại doanh nghiệp cũng phải bỏ rất nhiều tiền để trả cho dân nhưng lại không tính.

Thưa bà, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra phương án tính giá đất theo sát giá thị trường dựa vào việc thẩm định giá. Bà có ý kiến gì về phương pháp này?

Phương pháp Bộ tài chính đưa ra dựa vào thẩm định giá, tức là đưa các công ty thẩm định trong đó có thể công ty do các địa phương chỉ định. Nếu làm như vậy sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt, trong khi khái niệm thế nào là sát giá thị trường còn chưa được làm rõ.

Ngày nào chính sách còn tính giá đất theo giá thị trường thì giá đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ tiếp tục tăng lên. Bởi, dân số tiếp tục tăng, đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ trong khi diện tích đất không tăng.

Ngày nào nhà nước tính giá đất sát giá thị trường, trong khi tiền lương của các cán bộ, công chức nhà nước không theo sát giá thị trường ngày càng có nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà ở.

Xin cám ơn bà!

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland