Sông Hàn trở thành “chiếc ban công” thể hiện bộ mặt đô thị Đà Nẵng
Đô thị hiện đại
Công tác lập quy hoạch đô thị tại Đà Nẵng đang đặt ra yêu cầu nâng lên tầm cao mới với khát khao đạt đến một dáng vẻ hiện đại hơn. Vì vậy, Đà Nẵng liên tục tổ chức các diễn đàn, hội thảo để tranh thủ lấy ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành trong nước, mời gọi các nhà tư vấn thiết kế nước ngoài và tìm kiếm các nguồn vốn trung và dài hạn.
Sự phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống mà Đà Nẵng đang
tạo dựng để lại ấn tượng đối với Tiến sĩ Phạm Thúy Loan (Đại học Xây
dựng Hà Nội). “Sự phát triển của thành phố Đà Nẵng được ví như một cuốn
sách mở ra hai bên dòng sông Hàn. Dòng sông Hàn, như gáy của “cuốn
sách”, như cột trụ của sự phát triển ấy đã trở thành dòng sông có ý
nghĩa hơn bao giờ hết đối với Đà Nẵng về mặt không gian, kinh tế, văn
hóa-xã hội”, Tiến sĩ Loan nói.
Nhận định chung của các chuyên gia đầu ngành quy hoạch đô thị cho rằng,
Đà Nẵng được hưởng những ưu đãi rất lớn của thiên nhiên để tổ chức không
gian đô thị. GS.TSKH Nguyễn Mạnh Thu, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc
sư, Hội Kiến trúc sư Việt Nam thốt lên: “Một đô thị có cả núi, dòng sông
đi qua giữa thành phố và bờ biển dài cát mịn, nước trong là một sự ưu
đãi rất lớn của thiên nhiên”. Không gian đô thị dọc hai bên bờ sông Hàn
cùng hệ thống các cây cầu và các vị trí có độ cao được khai thác vào
hoạt động nghỉ ngơi, giải trí như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân…
tạo nên dáng vẻ thơ mộng của thành phố.
GS.TS Hồng Kế (từng tham gia nghiên cứu Quy hoạch chung thành phố Đà
Nẵng đến năm 2020) nhận định: Đà Nẵng đã thành công trong việc thực hiện
các ý tưởng lớn của quy hoạch được phê duyệt về Quy hoạch chung thành
phố Đà Nẵng đến năm 2020. Nhưng GS.TS Hồng Kế đặt vấn đề: “Trong xu thế
phát triển hiện nay, Đà Nẵng có nên theo hướng như trong các thập kỷ qua
nữa không? Đó là câu hỏi không dễ có câu trả lời có thể chấp nhận được.
Dù vậy, với xu thế phát triển nói chung và phát triển đô thị nói riêng,
có thể thấy một xu thế tất yếu là phát triển hài hòa giữa hiện đại và
truyền thống, hướng tới phát triển bền vững và phát triển đô thị bền
vững”.
Bền vững trên nền tảng không gian xanh
Sức đầu tư phát triển đô thị là bước cụ thể hóa quy hoạch đã được thể hiện và kiểm chứng trong việc triển khai các đề án quy hoạch đô thị Đà Nẵng thời gian qua. Thực tế các bản quy hoạch kiến trúc ở các khu dân cư mới, cao ốc mới của Đà Nẵng đã thấy rõ dấu ấn đặc biệt của nhà tư vấn từ nước ngoài mang vào làn gió hiện đại. Phát triển bền vững trên nền tảng môi trường không gian xanh. Quan điểm phát triển đô thị Đà Nẵng được nhất quán là “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông để khai thác điều kiện môi trường nước.
Một góc khu đô thị mới tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Khu biệt thự Ocean do VinaCapital đầu tư
Vì vậy, Đà Nẵng ngày càng có nhiều dự án đô thị sinh thái, giàu tính
tự nhiên, phối hợp hài hòa giữa nước và đất. Hơn nữa, trong mối quan hệ
liên lạc giao thông, chuyện một người đi lại bằng thuyền, ca nô từ Hòa
Xuân lên bến Bạch Đằng, qua vịnh Đà Nẵng về sông Cu Đê, hay ngược dòng
sông Cổ Cò đi vào Hội An, Vĩnh Điện... được định hình cho tầm nhìn quy
hoạch đến năm 2025.
Áp lực đường bộ Đà Nẵng sẽ giảm đi trong khi giá trị của một đô thị biển
liền sông, nối với cảng lớn sẽ càng tăng gấp bội. Cây xanh Đà Nẵng lấy
bán đảo Sơn Trà làm nền tảng. Bán đảo Sơn Trà sẽ thành thành phố vệ tinh
quan trọng với thành phố sinh thái kết hợp giữa các khu vực ở, công
trình du lịch, vui chơi giải trí, tham quan, khám phá, chữa bệnh… Bán
đảo Sơn Trà là điểm nhấn lợi hại của đô thị Đà Nẵng và hiếm có ở Việt
Nam.
Quy hoạch cơ sở hạ tầng được coi là hệ thống xương sống của một đô thị
thì hệ thống thủy văn được coi là một trong những vấn đề quan trọng
trong việc phát triển đô thị bền vững, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời
sống của người dân. Hiện Sở Xây dựng đang triển khai đề án xây dựng mô
hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng.
Mục đích của dự án là giải quyết bài toán tổ hợp về lũ lụt, ngập úng và thủy triều với mục tiêu cuối cùng là xây dựng các bản đồ ngập lụt ứng với các kịch bản tần suất khác nhau có xét đến quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Xem xét đến các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, lũ lụt trong quá trình đô thị hóa, từ đó có các giải pháp thích ứng với điều kiện khí hậu, lũ lụt trong tương lai để quy hoạch, thiết kế kiến trúc xây dựng phát triển đô thị bền vững.
Theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, qua xây dựng một mô hình thủy văn phù hợp cho Đà Nẵng trong việc quy hoạch và phát triển đô thị thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của khí hậu sẽ bảo đảm tính ổn định và bền vững lâu dài trong tương lai của đô thị Đà Nẵng.