Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4 đã tăng 3,32%. Tốc độ tăng CPI tiếp tục đạt kỷ lục mới sau mức tăng 2,2% của tháng 3, làm tốc độ tăng giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm nay tới 9,6% so với tháng 12.2010. Ở nước ta, chỉ số CPI thường được xem xét như một yếu tố tác động tới lạm phát, bên cạnh chỉ tiêu lạm phát cơ bản từ nguyên nhân cung tiền, tăng tổng cầu quá mức. Và cho dù những phân tích kỹ thuật về CPI hay lạm phát như thế nào chăng nữa, thì quan tâm chung của ng
alt

Những chỉ tiêu trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng mạnh vẫn là nhóm giao thông, tới hơn 6% do chịu tác động của đợt tăng giá xăng cuối tháng 3. Nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống, vật liệu xây dựng và nhà ở tăng mạnh không kém, ở mức trên 5%. Với áp lực giá cả như vậy, cuộc sống của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng đáng kể.

Từ tháng 3 năm nay, giá cả thị trường trong nước bắt đầu diễn biến trái quy luật nhiều năm. Nhớ lại tháng 4 năm ngoái, CPI chỉ tăng 0,14%, thấp nhất trong vòng 12 tháng liền trước, trong đó một số thành phố lớn, thường được cho là đầu kéo giá cả của cả nước như thành phố Hà Nội, thậm chí còn ở mức âm. Trong khi đó, tháng 4 này, CPI của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng vọt, trên 3%, cho dù những địa phương này vẫn tiếp tục chương trình bình ổn giá, với quy mô ngày càng lớn.

Xem xét chỉ số giá tiêu dùng, thấy mức độ lạm phát. Tuy vậy giá cả chỉ là một phần của vấn đề lạm phát. Phân tích sâu xa căn nguyên của lạm phát nước ta, việc xem xét, giải quyết vấn đề giá cả chỉ là phần ngọn. Gốc của lạm phát cơ bản, xin được nhắc lại, vẫn nằm ở chuyện cung tiền đang lớn hơn hàng.

Phân tích cụ thể, lạm phát cơ bản từ nguyên nhân cung tiền, cũng như liên quan tới chính sách tiền tệ, trong tháng 4 này đã có dấu hiệu được kiểm soát. Quan sát diễn biến thị trường ngoại hối hơn chục ngày qua, có thể thấy tiền đồng đã lên giá, khi mức thu đổi ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã thấp hơn biên độ tỷ giá trần cho phép, nguồn ngoại tệ chảy về các ngân hàng nhiều hơn. Chính sách tiền tệ phát huy tác dụng, tạo cơ sở cho việc hạ lãi suất cho vay với nền kinh tế, giảm giá vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên do độ trễ của chính sách, có thể tới quý III, tác động tích cực của chính sách tiền tệ mới rõ.

Về chính sách tài khóa, việc cắt giảm đầu tư công chưa được thực hiện quyết liệt. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới thời điểm này vẫn còn nhiều bộ, ngành chưa có báo cáo rà soát, cắt giảm đầu tư công. Hiện các tập đoàn, tổng công ty đã có báo cáo; tuy nhiên lượng vốn cắt giảm không nhiều. Các tập đoàn chủ yếu dừng lại các dự án định đầu tư nhưng chưa có vốn. Nhiều địa phương thì báo cáo sơ sài, qua loa. Trong khi đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4.2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình báo cáo tổng thể cắt giảm đầu tư công để Thủ tướng phê duyệt. Và hạn cuối mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành - là ngày 10.4 phải nộp báo cáo - đã trôi qua. Kinh nghiệm về thất bại trong cắt giảm đầu tư công 2008 cho thấy, nếu không điều hành quyết liệt, thực thi nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, việc cắt giảm đầu tư công sẽ không mấy ý nghĩa, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách, cụ thể là Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

Nhìn ở góc độ lạm phát do chi phí đẩy, chúng ta thấy đã có những biểu hiện rõ khi nhiều nhà sản xuất ở các ngành buộc phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ do giá đầu vào tăng mạnh, như ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngành giao thông vận tải. Đấy là chưa kể đến đến một yếu tố khó đoán định khác là lạm phát tâm lý.

Rõ ràng, kỳ vọng hạ nhiệt giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát không phải là điều có thể thấy ngay trong một vài tháng tới. Chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tiềm ẩn nhiều yếu tố tiếp tục bị đẩy cao, khi nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế như điện, xăng dầu có thể tiếp tục tăng giá. Điều này đặt ra trong điều hành của Chính phủ trong lộ trình thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu phải cân nhắc thời điểm, mức độ thị trường hóa, vì tổng thể chung, tránh gây sốc cho nền kinh tế.

Các chính sách kiềm chế lạm phát đang được triển khai theo Nghị quyết 11 của Chính phủ có nhanh phát huy tác dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi. Bài học từ quản lý thị trường ngoại hối là một ví dụ. Thành công bước đầu trong quản lý thị trường ngoại hối đã đem lại niềm tin về điều hành chính sách.

tag: lam phap, cpi thang 5, chinh sach vi mo

Cafeland.vn - Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland