CafeLand – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định đề xuất điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Cụ thể, trước đề nghị của UBND Hà Nội về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nội dung đề xuất của UBND Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho Bộ Xây dựng các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ nêu trên.

Trước đó vào tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thủ tướng, cần nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên; hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân. Đồng thời, Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại khu vực các xã: Xuân Canh, Mai Lâm, Đông Hội, huyện Đông Anh để đáp ứng yêu cầu xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và khu vực phụ trợ như ý kiến của Bộ Xây dựng.

Vào tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh gồm:

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường Vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ … Khu Nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

Khu mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ, gồm 3 khu vực chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1; Khu đô thị Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì, hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và Quốc Gia (phục vụ ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố; Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh.

Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Khai thác, kế thừa Quy hoạch Cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua Thành phố, ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.

5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn có dân số từ xấp xỉ từ 21 vạn đến 75 vạn người/1 đô thị.

Mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một hoặc nhiều nhân tố chính để tạo công ăn việc làm và có chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ… Trong đó Hòa Lạc là đô thị khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và vùng. Sơn Tây là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cửa ngõ Tây Bắc thủ đô Hà Nội, là đô thị văn hóa lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Xuân Mai là đô thị đại học và dịch vụ cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội. Phú Xuyên là đô thị vệ tinh phía Nam của Thủ đô, phát triển công nghiệp, kho tàng, các dịch vụ trung chuyển, đầu mối phân phối, tiếp vận hàng hóa và Logistics phân phối nông sản vùng. Sóc Sơn là đô thị cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, là đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng hàng không Nội Bài gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.