28/07/2011 7:49 AM
Tập trung vào phân khúc căn hộ giá trung bình và rẻ được xem là giải pháp điều tiết trong tình hình ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư BĐS và phù hợp với nhu cầu xã hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng hộ gia đình ở Việt Nam đã tăng nhanh do quy mô gia đình nhỏ đi. Năm 1999, quy mô gia đình trung bình 4,5 người/hộ, đến năm 2009 còn 3,7 người/hộ, năm 2010 chỉ còn 3,2 người/hộ. Quy mô gia đình nhỏ hơn nên phân khúc căn hộ giá trung bình và giá rẻ đáp ứng đúng yêu cầu về diện tích căn hộ và sức mua của đa số hộ gia đình.


Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết: Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu chính. Trước hết là phát triển thị trường nhà ở ổn định, cởi mở, minh bạch để người dân có thể tiếp cận mua hoặc thuê nhà ở. Ưu tiên phát triển nhà cho thuê, gồm cả các tòa nhà thương mại cho thuê và nhà công cộng cho thuê; thay đổi cách nghĩ của người dân về thuê nhà thay vì sở hữu nhà. Ngoài ra, còn thực hiện các chương trình nhà ở xã hội cho người nghèo và người thu nhập thấp.


Trong một thời gian dài, các chủ đầu tư BĐS chỉ nhắm vào phát triển phân khúc chung cư cao cấp là chưa phù hợp, trong khi phân khúc căn hộ giá trung bình và giá rẻ có nhu cầu rất lớn. Để thực hiện chiến lược phát triển nhà ở, rất cần có chính sách tạo động lực, như khuyến khích các nhà đầu tư và doanh nghiệp xây dựng các cao ốc căn hộ cho thuê dài hạn và nhà cho công nhân thuê; có sự liên kết hỗ trợ vốn của ngân hàng và doanh nghiệp. Lâu nay cũng đã có các chính sách này nhưng sự hỗ trợ chưa thiết thực nên các doanh nghiệp không hưởng ứng.

Theo Thanh Vy (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.