Không chỉ có các trường đại học, cao đẳng, mà cả các bệnh viện, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường phải dời từ trong nội thành ra ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận. Đây là chủ trương đúng của TP Hà Nội nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng…
Song, liệu TP có đủ quỹ đất để bố trí việc di dời. Và quan trọng hơn, quỹ đất mà hàng loạt các cơ sở này để lại sẽ được sử dụng như thế nào để đạt mục tiêu giảm mật độ dân số nội thành và giải quyết ô nhiễm môi trường? Đó chính là điều mà chúng tôi muốn đề cập đến trong loạt bài này.

Di dời các trường ĐH, CĐ trong nội thành ra ngoại thành, tập trung nguồn lực để xây dựng các khu đô thị đại học là vấn đề đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến các trường. Phần lớn lãnh đạo các trường đều khẳng định đây là việc cần thiết, là vấn đề bức thiết của ngành giáo dục và sự phát triển hệ thống giáo dục đại học. Bởi, sự bất cập và quá tải của nhiều trường ĐH, CĐ trong nội thành về cơ sở vật chất, hệ lụy của sự "chật hẹp" ấy tác động đến chất lượng đào tạo là điều đã quá rõ. Tuy nhiên, việc di dời vẫn khiến cho nhiều trường lo lắng bởi thiếu đất sạch, kinh phí và một cơ chế mở...

Áp lực quỹ đất và sự bùng nổ sinh viên

"Thực trạng cơ sở vật chất của các trường ĐH đa ngành đang ở mức báo động cả về lượng và chất" - KTS, TS. Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (NCTKTH) khẳng định. Theo kết quả khảo sát, bình quân diện tích (DT) đất cho sinh viên (SV) trong các trường ĐH, CĐ công khoảng 35,7m2/SV - rất thấp so với tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành là từ 55 - 85m2/SV, trong khi tiêu chuẩn này có từ năm 1985. Mặt khác, tiêu chuẩn về mật độ xây dựng theo quy định chỉ chiếm 20 - 25% diện tích đất, nhưng tỷ lệ này giờ đã chiếm tới 50 - 60%. Nhưng diện tích xây dựng hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên, do diện tích sử dụng khu học tập trung bình trên 1 sinh viên cũng mới đạt khoảng 3,6m2, trong khi tiêu chuẩn thiết kế là 6m2... Một trường ĐH tiêu chuẩn phải như một tổ hợp kiến trúc đa chức năng gồm học tập, nghiên cứu, sản xuất thực hành, sinh hoạt, nghỉ ngơi, văn hóa, dịch vụ, thể thao... đúng nghĩa là một "đô thị đặc thù". Tuy nhiên, với thực trạng cơ sở vật chất hiện nay của các trường ĐH trong nước, đây vẫn chỉ là giấc mơ.

Điều đáng nói, theo phân tích của Viện NCTKTH, sự bất cập trong quy hoạch kiến trúc và chức năng sử dụng của khối các trường ĐH, CĐ lại là một trong những nguyên nhân gây ra áp lực lớn cho sự phát triển đô thị về giao thông, dịch vụ hạ tầng như y tế, thương mại, quỹ nhà ở... Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 34ha được thiết kế cho công suất 2.000 SV vào thập niên 60 của thế kỷ trước, hiện tại diện tích đất còn lại không đầy một nửa trong khi quy mô sinh viên đã hơn gấp 10 lần. Trường ĐH Mỏ Địa chất với gần 1 vạn SV được bố trí trong một khu khách sạn cải tạo. Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH KHTN và KHXHNV nằm trong khuôn viêncác trường trung cấp. Tình hình cũng không khả quan với đa số trường ĐH mới thành lập khi hầu hết các trường này đều hoạt động trong những diện tích vốn không được thiết kế cho đào tạo, hoặc phải sử dụng chung với những cơ sở khác. Trong khi đó, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, số SV ĐH, CĐ tăng 135%. Con số này còn tiếp tục gia tăng hàng năm.

Di dời khỏi nội đô, cần giải pháp đồng bộ

Nhằm giải quyết những bất cập của khối các trường ĐH, CĐ hiện nay, Viện NCTKTH cho rằng, việc di dời hoặc giãn các trường ĐH ra khỏi các khuôn viên ở nội thành là yêu cầu bức thiết. Phần đông các trường cũng nhất trí với chủ trương này. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất chính là nguồn lực tài chính để các trường đầu tư và công tác giải tỏa mặt bằng, quy hoạch, tập trung các trường như thế nào?

Thực tế, chủ trương đưa 4 vạn SV của ĐH Quốc gia Hà Nội lên Hòa Lạc cách Hà Nội 30km với 1.000ha đã được phê duyệt gần 10 năm nay. Dự án giãn 10 trường ĐH ra khu vực ngoại vi Tây Mỗ và Đông Ngạc với khoảng 350ha cũng đang được tiến hành. Song, sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch mới này, các trường ĐH thuộc đối tượng di chuyển vẫn đâu nguyên đấy. ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc sau gần 10 năm mới chỉ hình thành được khu nhà công vụ do công tác GPMB và các khâu chuẩn bị đầu tư bị kéo dài.

Đại diện Trường ĐH Mỏ Địa chất cũng cho biết, trường đã được Chính phủ đồng ý quy hoạch 50ha cùng 2 trường ĐH khác tại khu Đông Ngạc. Tuy nhiên, vấn đề GPMB gặp nhiều khó khăn do khâu đền bù còn vướng mắc. Trong khi trường thiếu chỗ học, nhưng diện tích trên lại đang bị các đơn vị khác, dân cư xung quanh dần lấn chiếm. Đây là vấn đề nóng bỏng nhất được các trường tập trung đề cập tới. PGS, TS Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương phản ánh: Chúng tôi đã nhiều lần hăm hở đi tìm đất xây dựng trường, nhưng cuối cùng nhận lại vẫn là con số 0.

Khó khăn trong việc di dời ra ngoại ô còn được các trường ĐH phản ánh là, việc đầu tư cơ sở mới cùng với hệ thống trang thiết bị cần nguồn vốn lớn, có thể tới hàng nghìn tỉ đồng trong khi ngân sách Nhà nước lại hạn chế.

Để chủ trương di rời, giãn trường khả thi hơn, lãnh đạo các trường ĐH kiến nghị, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo về đầu tư xây dựng các trường ĐH, CĐ, giao các địa phương trách nhiệm đền bù, thu hồi đất và giao đất sạch cho các trường công lập có dự án được phê duyệt cũng như tạo nguồn kinh phí cho các trường như đã thực hiện đối với các dự án xây dựng ký túc xá SV và cho SV vay học tập.

Dự kiến, trung tuần tháng 12 này, sẽ có một hội nghị quốc gia bàn về vấn đề di dời, đồng thời sẽ hoàn chỉnh quy hoạch và phê duyệt quy hoạch vào tháng 2/2011, trong đó có kế hoạch giao và sử dụng đất cho giáo dục đại học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ lộ trình di dời của các trường.
Cafeland.vn - Theo KTĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland