Một sơ sở sản xuất tại quận 12 - Ảnh: Văn Nam.
Đây là nội dung được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và UBND các quận huyện thực hiện tại cuộc họp sáng nay (23-7) bàn về di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của thành phố.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung di dời trước các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh đó, có thể giữ lại các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư nhưng không gây ô nhiễm, phù hợp với quy hoạch và các cơ sở sản xuất thuộc 4 ngành trọng điểm của thành phố (cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-cao su- nhựa, chế biến luơng thực thực phẩm).
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, từ năm 2002 thành phố đã lên kế hoạch di dời 1.402 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp và vùng phụ cận. Đến nay, đã di dời gần hết số doanh nghiệp này, hiện chỉ còn lại 6 cơ sở chưa di dời.
Ngoài ra hiện thành phố vẫn còn 2/37 cơ sở là xi măng Hà Tiên và xưởng đóng tàu Ba Son chưa thực hiện di dời theo quyết định di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2003.
Tuy nhiên, sau một thời gian di dời ra vùng phụ cận thì rất nhiều doanh nghiệp trong diện di dời trước đây lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chẳng hạn như trường hợp 31 cơ sở sản xuất giặt, nhuộm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 thời gian gần đây liên tục xả khí thải, nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm khu dân cư.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại cuộc họp sáng nay, ông Cao Tung Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết chính sách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra vùng phụ cận trước đây là đúng, nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất như hệ thống xử lý nước thải, khí thải…
Cũng theo ông Sơn, việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thời gian qua còn gặp khó khăn là do chủ cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư có tâm lý không muốn vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chưa kể các khu công nghiệp cũng không muốn tiếp nhận các cơ sở gây ô nhiễm thuộc diện di dời, chưa kể nhiều cơ sở di dời chỉ cần diện tích đất nhỏ làm các khu công nghiệp bị “chẻ nhỏ”.
“Sắp tới việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường sắp tới sẽ tập trung đưa vào các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Trước mắt sẽ di dời 31 cơ sở gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12”, ông Sơn cho hay.