Ngày 1-12, Bộ GD-ĐT và Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cùng đại diện hơn 69 trường ĐH-CĐ trên địa bàn thành phố cùng nhau thảo luận, tìm phương án tối ưu thực hiện chủ trương di dời các trường ra ngoại thành theo Quyết định 121/2007 của Thủ tướng Chính phủ. 100% đại biểu đồng tình với chủ trương của Chính phủ, nhưng khi xắn tay thực hiện, hàng loạt trường đều than khó vì thiếu đất sạch, có đất mà không có tiền thì cũng chẳng làm được gì.


Trường ĐH Sư phạm TD-TT TPHCM (639 Nguyễn Trãi, quận 5) suốt 3 năm thực hiện bán đấu giá lấy kinh phí xây dựng cơ sở mới ở ngoại thành nhưng không bán được.

Mở đầu buổi thảo luận, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT GS-TS Bùi Văn Ga đã khuyến khích các trường mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các giải pháp để bộ và TP lắng nghe rồi tham mưu cho Chính phủ. Ngay khi thứ trưởng dứt lời, TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, kiến nghị: “Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc họp có cả Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP bàn về vấn đề này, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức bàn rồi để đó. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc di dời các trường ra ngoại thành, nhưng nếu một TP mà không có bóng dáng một trường ĐH nào trong nội thành là điều không thể. Năm 2007, TP đã chấp thuận chủ trương và giao 40 ha đất cho trường tại phường Long Phước (quận 9, TPHCM), nhưng đến nay, qua nhiều giai đoạn thỏa thuận quy hoạch 1/2.000 vẫn chưa xong. Hơn nữa, kinh phí để đền bù, giải tỏa và xây dựng cơ sở mới rất lớn, trường không biết lấy tiền đâu ra”.

Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM khi thực hiện thủ tục giải ngân để xây dựng cơ sở mới tại Thủ Đức cũng hết sức gian khổ, mất nhiều thời gian. Ngay ký túc xá của trường, kinh phí xây dựng phải chờ hết năm này đến năm khác và sinh viên phàn nàn, trường chỉ biết hứa sang năm sang năm rồi lại sang năm.

Về kinh phí mà Sở Kế hoạch – Đầu tư dự kiến cho các trường vay 300 tỷ đồng để di dời là khó khả thi đối với các trường đại học công lập. Chưa nói đến thủ tục, riêng chuyện trường phải giải phóng mặt bằng đã rất khó rồi.

Dẫn chứng về khó khăn của trường mình, ông Trương Ngọc Ẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, cho biết: Trường được TP giao 40 ha tại quận 9. Tổng kinh phí cho xây dựng cơ sở mới là 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây với UBND TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư đề xuất phương án hỗ trợ 300 tỷ đồng. Với số tiền này, chỉ bằng 2/3 số tiền mà trường đền bù giải phóng mặt bằng. Vậy lấy đâu kinh phí để xây dựng cơ sở mới?

Trong khi đó, cũng do vướng giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác mà nhiều trường như ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương… vẫn giậm chân tại chỗ trong việc xây dựng trường dù đất đã được TP giao.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, phân tích: Di dời các trường ra ngoại ô thành phố là chủ trương của Chính phủ. Vì vậy, để thực hiện được việc này điều quan trọng nhất là sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương, bộ chủ quản, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư để có một phương án tối ưu. Nếu chúng ta đồng thuận, đưa ra nhiều giải pháp đột phá thì Bộ GD-ĐT mới có thể ghi nhận, tham mưu đúng hướng cho Chính phủ. “Theo tôi, nên chăng các trường và TP nên nghĩ đến phương án đổi đất lấy hạ tầng, đề xuất Chính phủ thành lập nên ban quản lý các khu đại học tập trung” - ông Ngữ đề xuất ý tưởng.

Dù thừa nhận Bộ GD-ĐT cũng chưa tìm ra giải pháp, nhưng Thứ trưởng Bùi Văn Ga xác định: Chủ trương di dời các trường ra ngoại thành là vấn đề sống còn của ngành giáo dục và cho sự phát triển của các trường đại học, nhất là các trường có cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn. Bộ chấp thuận và lắng nghe những ý kiến, đề xuất những giải pháp “phi truyền thống”, đột phá và sáng kiến để tham mưu cho Chính phủ.
Cafeland.vn - Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland