14/02/2023 1:29 PM
Lộ trình thực hiện đề án của tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư. Các cơ sở bị di dời chủ yếu tập trung ở thành phố phía Nam của tỉnh gồm TP.Thuận An, TP. Dĩ An và thị xã Tân Uyên.

Có 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư (hình minh họa)

Từ năm 2024 sẽ tiến hành di dời

Theo Đề án “"Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương"” được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2019, thời gian tới, địa phương sẽ triển khai kế hoạch di dời nhà máy khỏi khu dân cư.

Cụ thể, TP.Dĩ An lên kế hoạch di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP.Thủ Dầu Một triển khai di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; TP.Thuận An di dời đến hết tháng 12/2028; thị xã Tân Uyên di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2030.

Ước tính có khoảng 2.900 DN nằm ngoài KCN phải di dời hoặc chuyển đổi công năng với diện tích đất đang sử dụng gần 1.800 ha. Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho hay, số lượng doanh nghiệp phải thực hiện di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là rất lớn, chiếm 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong số đó, chủ yếu tập trung ở thành phố phía Nam của tỉnh với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày, đồ gốm sứ…

Việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy, nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh.

Mục đích của di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư tại các địa phương ở phía Nam như thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An để chuyển đổi các mô hình phát triển dịch vụ, cải tạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh phát triển công nghiệp về phía Bắc, do đó đây là cơ hội để DN di dời phát triển bền vững trong tương lai.

Việc di dời sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp về nhân công, chi phí vận chuyển (hình minh họa)

Doanh nghiệp sợ phá sản

Quá trình triển khai đề án, tỉnh Bình Dương đã tổ chức các cuộc đối thoại, lắng nghe và tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp thuộc diện di dời. Theo đó, các doanh nghiệp nêu lên các khó khăn về thiếu hụt nguồn lao động và phát sinh chi phí vận chuyển hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp lo ngại nguy cơ “phá sản” nếu phải di dời.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp phải di dời, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho DN di dời, cũng như ban hành tiêu chí xét cơ sở sản xuất phải di dời hay chuyển đổi công năng.

Để giảm chi phí vận chuyển cho DN, tỉnh đang đầu tư các tuyến đường cao tốc kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Bình Dương hiện nay có 29 KCN, trong đó 27 khu đã hoạt động và lấp đầy hơn 85%; 12 cụm công nghiệp lấp đầy khoảng 68%. Với diện tích còn lại thì các khu, cụm công nghiệp thừa sức đáp ứng nhu cầu di dời của DN.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tham mưu xây dựng một số chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động khi di dời về tiền lương, đào tạo nghề nhằm hỗ trợ DN về vấn đề nguồn lao động.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định, hoàn thành đề án này có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giúp sắp xếp lại không gian phát triển mới, khắc phục các hạn chế, và khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ vào các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.