16/02/2025 12:01 PM
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần ưu tiên đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước trong ba lĩnh vực: xây dựng hạ tầng (đường, cầu, hầm), sản xuất đường ray và đóng toa xe.

Chiều 15/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), cho biết dự án đường sắt không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là đòn bẩy để chuyển giao công nghệ và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Do đó, cần ưu tiên đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước trong ba lĩnh vực: xây dựng hạ tầng (đường, cầu, hầm), sản xuất đường ray và đóng toa xe.

Theo ông Cường, các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định năng lực đáp ứng nếu được Nhà nước đặt hàng. Việc này có thể tốn kém hơn mua hàng nước ngoài, nhưng sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và GDP trong nước. Ngược lại, mua hàng nước ngoài sẽ không mang lại lợi ích này và không giúp chúng ta có ngành công nghiệp đường sắt.

Ông Cường nhấn mạnh sự cần thiết phải mạnh dạn đưa vào Nghị quyết chủ trương ưu tiên đặt hàng, đồng thời cam kết đảm bảo thị phần cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ yên tâm đầu tư công nghệ và sản xuất. Dẫn bài học từ ngành ô tô, ông cho rằng việc chia nhỏ thị phần khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện đầu tư công nghệ, buộc phải nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, thay vì phát triển sản xuất trong nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Tham gia ý kiến, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc tuyến đường sắt bám sát vào đường cao tốc sẽ làm hạn chế việc bố trí các ga và kết nối với mạng lưới giao thông tại các địa phương.

Do đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến việc kết nối giữa các ga với hệ thống đường hiện có và các tuyến đường quy hoạch của từng địa phương. Đồng thời, đối với công trình ga, đại biểu đề xuất rà soát vị trí và quy định chức năng của ga để bảo đảm phù hợp với quy hoạch địa phương, tối ưu hóa kết nối giao thông và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực có tuyến đường sắt đi qua.

Ông Tiến cho biết, sau khi dự án đường sắt hoàn thành, nhiều tuyến đường sẽ cùng tồn tại trong một khu vực, bao gồm các loại hình vận tải khác nhau như đường sắt khổ đơn, đường sắt khổ đôi, đường bộ cao tốc và quốc lộ. Do đó, ông đề nghị cần đánh giá tác động của dự án đến thị phần vận tải và hoạt động kinh doanh vận tải trên từng tuyến đường, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, bảo đảm sự hài hòa và hiệu quả trong khai thác hạ tầng giao thông.

Giải trình thêm, ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết dự án đã được nghiên cứu và lựa chọn hướng tuyến theo nguyên tắc tối ưu: tuyến đường ngắn nhất, thẳng nhất, hạn chế tối đa công trình trên tuyến nhằm cân đối khối lượng đào và đắp. Bộ trưởng khẳng định, các công trình trên tuyến được thiết kế bảo đảm khả năng chịu lực, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn thiết kế của quốc gia và quốc tế.

Về tác động môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Minh thông tin rằng toàn tuyến bao gồm 29% cầu, 7% hầm và hơn 60% nền đường. Các nhà ga được bố trí hợp lý theo quy hoạch, phù hợp điều kiện tự nhiên và khu vực, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế, thương mại của các địa phương. Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế trên cơ sở dữ liệu khảo sát chi tiết, nhằm tối ưu hóa dự án và nâng cao hiệu quả thực hiện.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Đồng thời, với chủ trương tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần tăng trưởng.

Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được Quốc hội thông qua cho đường sắt tốc độ cao và những đặc thù của dự án, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sử dụng 15/19 cơ chế chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và thêm vào 3 cơ chế chính sách khác. Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.