12/06/2025 3:16 PM
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), việc sáp nhập tỉnh góp phần tinh gọn bộ máy, giảm ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc sáp nhập cấp tỉnh không chỉ là phép cộng về diện tích, dân số, mà còn là phép nhân về GDP.

Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, trong bối cảnh đang triển khai Chính phủ số, công dân số, xã hội số, việc thực hiện cho tinh gọn bộ máy, sáp nhập các tỉnh góp phần tinh gọn bộ máy, giảm ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc sáp nhập cấp tỉnh không chỉ là phép cộng về diện tích, dân số, mà còn là phép nhân về GDP.

Việc sáp nhập tỉnh góp phần tinh gọn bộ máy, giảm ngân sách nhà nước...- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Media Quốc hội

Các tỉnh sau sáp nhập sẽ có quy mô lớn hơn, điều kiện tự nhiên và nguồn lực đa dạng hơn, có khả năng xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, thu hút đầu tư mạnh hơn, tổ chức lại không gian sản xuất và dịch vụ một cách hợp lý, bền vững hơn.

Việc tổ chức lại đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc hệ thống cơ quan hành chính các cấp, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp.

Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), thực tiễn 50 năm qua cho thấy, quá trình chia tách đơn vị hành chính đã góp phần phục vụ mục tiêu an ninh, chính trị và quản lý địa bàn trong từng giai đoạn lịch sử.

Tuy nhiên, đến nay, mô hình tổ chức này đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó không ít tỉnh có quy mô nhỏ, dân số thấp, không đạt chuẩn diện tích, dẫn đến phân mảnh không gian phát triển, khó hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, đầu tư công dàn trải, hiệu quả chưa cao. Bộ máy hành chính ở nhiều nơi còn cồng kềnh, chi thường xuyên lớn, chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, làm hạn chế nguồn lực đầu tư phát triển.

Do đó, chủ trương sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết sách lớn, vừa có tính chiến lược, vừa mang tính tất yếu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị, quản lý, tổ chức lại không gian phát triển theo hướng mở rộng, gắn kết, bền vững, phát huy lợi thế theo quy mô và tối ưu hóa nguồn lực.

Đây là cơ hội để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển vùng, phân bổ lại dân cư, hạ tầng, nguồn lực đầu tư theo định hướng chiến lược mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới của địa phương cũng như của đất nước.

Cần thể chế đủ rộng, đủ linh hoạt

Để quá trình sáp nhập thực sự thành công, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với mô hình địa phương hai cấp; có cơ chế tổ chức bộ máy đặc thù cho các tỉnh mới trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, để đạt được mục tiêu sắp xếp đề ra cần có thể chế đủ rộng, đủ linh hoạt, phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm an ninh quốc phòng của từng địa phương. Đồng thời tiến hành phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; ưu tiên nguồn lực để các địa phương có điều kiện đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Đại biểu cũng nhận định, quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính sẽ đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chỉ đạo sâu sát, sự phối hợp đồng bộ và cơ chế chính sách phù hợp. Trước hết đó là vấn đề xử lý trụ sở hành chính công dôi dư.

Việc sáp nhập tỉnh góp phần tinh gọn bộ máy, giảm ngân sách nhà nước...- Ảnh 2.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số trụ sở công cấp tỉnh tại 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp là 38.182 trụ sở; trong đó, dự kiến còn 4.226 trụ sở dôi dư. Việc xử lý các trụ sở này cần sớm được quy định rõ ràng về thẩm quyền, phương án sử dụng lại, chuyển đổi công năng hoặc đấu giá, tránh gây lãng phí hoặc bỏ hoang. Chính phủ sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy, quản lý tài sản công, điều chuyển, bố trí nhân sự, xây dựng kế hoạch sắp xếp nhà ở công vụ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh), hiện nay, tổng biên chế của 52 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp là 447.657 người, trong đó có 2.321 cán bộ, 79.118 công chức và 366.218 viên chức. Đây là lực lượng rất lớn, việc điều chuyển, phân công lại phải bảo đảm đúng quy định, hợp tình, hợp lý.

Đại biểu đề nghị cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương, sau sáp nhập, khối lượng công việc tăng, phạm vi quản lý rộng hơn, trách nhiệm lớn hơn.

Đối với lực lượng cán bộ, công chức cấp xã, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã, chịu tác động trực tiếp từ sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, rất cần có chính sách rõ ràng, ổn định và có lộ trình chuyển tiếp phù hợp, thể hiện sự quan tâm và nhân văn trong quá trình thực hiện cải cách.

Chủ đề: Sáp nhập Tỉnh
Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.