Bộ Xây dựng đề nghị kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả bất động sản (BĐS), giao dịch ngầm nhằm thu lời bất chính.

Cần có tiêu chí cho vay BĐS


Trong tờ trình Chính phủ Ban hành chỉ thị về một số giải pháp nhằm quản lý thị trường BĐS phát triển lành mạnh mà Bộ Xây dựng đã hoàn tất hôm 13.9, khá nhiều khiếm khuyết của thị trường được chỉ ra.


Cụ thể, giá cả hàng hóa BĐS, giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn; cơ cấu hàng hoá BĐS nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Tình trạng phát triển đô thị thiếu quy hoạch, kế hoạch, phát triển tự phát còn diễn ra phổ biến, dẫn đến các đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội…


Đề xuất giải pháp thanh lọc thị trường bất động sản
Hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả BĐS, giao dịch ngầm nhằm thu lời bất chính... đều bị xử lý nghiêm. Ảnh: Nguyễn Lê

Vì vậy, để kịp thời chấn chỉnh những điều đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng nghiên cứu, ban hành tiêu chí cho vay BĐS để áp dụng trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay các dự án có khả năng thanh khoản cao, các dự án phát triển nhà ở phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, các dự án đã xây xong phần thô đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, tăng tỷ trọng cho vay mua nhà để ở.


Trước mắt, hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới (trừ các dự án nhà ở xã hội), các dự án BĐS cao cấp (như dự án căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu/m2, hoặc diện tích trên 120 m2, biệt thự, nhà liền kề); tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; kiểm soát hiện tượng đầu tư nội bộ của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vào BĐS.


Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng

Bộ Xây dựng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở, phát triển khu đô thị mới trên địa bàn, yêu cầu các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công, có biện pháp bảo đảm các dự án được triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.


Không cho phép triển khai các dự án tại các địa điểm mà không có kế hoạch khả thi cung cấp đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu tối thiểu về dịch vụ đô thị, cũng như sự phù hợp của các dự án với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật về đất đai.


Đồng thời, ban hành quy định và kiểm soát khi thỏa thuận đầu tư để có nhiều loại cơ cấu căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở, ưu tiên phát triển nhà ở có diện tích trung bình (từ 70m2 đến 90m2) và diện tích nhỏ (dưới 70m2) có giá bán hợp lý.


Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng, bảo đảm tỷ lệ căn hộ nhà chung cư đạt trên 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số đơn vị nhà ở thương mại xây dựng mới, phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân.


Đặc biệt, phát hiện các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả bất động sản, giao dịch ngầm nhằm thu lời bất chính trên phạm vi địa bàn, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh và dự án đầu tư hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, bảo đảm yêu cầu về tính minh bạch của thị trường.

Theo Nguyễn Lê (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.