31/05/2023 5:12 PM
Vấn đề sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước gửi hệ thống ngân hàng, đến nay còn 1 triệu tỷ đồng, đại biểu cho rằng nguồn này có thể linh hoạt bố trí ngay để xây nhà cho người lao động.

Ngày 31/5, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) đã có những góp ý để có thể khởi động lại những động lực phát triển.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu cho rằng để ổn định kinh tế vĩ mô cần khởi động lại các động lực phát triển qua những dự án đầu tư. Hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư có thời gian chuẩn bị kéo dài; khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án cũng rất chậm nên nguồn lực thực sự đưa vào nền kinh tế chậm.

Theo đại biểu Tuấn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế nói trên. Về nguyên nhân chủ quan, nhất là các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, kể cả chương trình mục tiêu Quốc gia. Những chương trình này có ý nghĩa rất lớn, cần nguồn lực đưa vào nền kinh tế rất nhanh. Việc sử dụng theo quy trình đầu tư công bình thường thì rất chậm, vì phải bổ sung vào kế hoạch trung hạn hàng năm mới xử lý được.

Nếu ngay từ đầu, xử lý các công trình này như một công trình cấp bách, trong quy định của Luật Đầu tư công có những điều quy định những khoản đầu tư mang tính cấp bách thì các dự án này sẽ triển khai nhanh hơn, nguồn lực đưa vào nền kinh tế cũng nhanh hơn.

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn. Ảnh: Quochoi

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để khuyến kích, kích cầu nền kinh tế, kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Vấn đề sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước gửi hệ thống ngân hàng, đến nay còn 1 triệu tỷ đồng, tức là vốn dư thừa rất lớn. Đại biểu cho rằng nguồn này có thể linh hoạt bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hoặc hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết ngay, chúng ta có những giải pháp ngay về những vấn đề này thì sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế thì sẽ ổn định hơn, sẽ kích cầu hơn thay vì chúng ta thực hiện những giải pháp hiện nay. Bổ sung những giải pháp này có thể kích cầu ngay cho nền kinh tế”, ông Tuấn đề xuất.

Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên… cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế.

Đề xuất gộp 3 gói hỗ trợ thành 1

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Bắc Ninh đồng thuận với với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn giải ngân rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ...

Theo đại biểu năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng.

Đại biểu Trần Thị Vân. Ảnh: Quochoi

Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 năm thì đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước”, bà Vân phát biểu.

Tuy nhiên, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.

Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở thì đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong”, bà Vân đặt vấn đề.

Đại biểu đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.