10/09/2014 10:25 AM
Sáng nay 10/9, báo cáo tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không nên quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Ảnh minh họa

Dự thảo luật Nhà ở quy định vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư tại điều 99 nhưng lại chưa quy định thời hạn cụ thể. Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư như trong dự thảo Luật, nhưng đề nghị cần quy định ngay trong dự thảo Luật thời hạn sử dụng loại nhà ở này và có cơ chế giải quyết sau khi phá dỡ nhà chung cư khi hết thời hạn sử dụng để đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, nhà chung cư có đặc thù riêng, liên quan sự an toàn của nhiều người, có tác động lớn đến kiến trúc, cảnh quan đô thị, vì vậy cần thiết phải có quy định về thời hạn sử dụng để bảo đảm an toàn cho người dân và làm cơ sở pháp lý để các địa phương và các chủ sở hữu thực hiện phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại khi các nhà chung cư này bị xuống cấp, có nguy cơ sập đổ.

Theo quy định của pháp luật, mỗi nhà chung cư có niên hạn sử dụng khác nhau, căn cứ cấp công trình của nhà chung cư đó (ví dụ, nhà chung cư cấp 3 có niên hạn sử dụng từ 20 – 30 năm, nhà chung cư cấp 2 có niên hạn sử dụng từ 50 - 100 năm…).

“Không phải mọi trường hợp nhà chung cư khi hết niên hạn sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nêu trên là sẽ hết thời hạn được phép sử dụng, mà sau niên hạn này, cơ quan chức năng sẽ phải tổ chức kiểm định lại chất lượng nhà chung cư đó để quyết định thời hạn được sử dụng tiếp.

Tùy thuộc vào chất lượng của từng loại nhà chung cư mà việc quyết định thời hạn được sử dụng tiếp sẽ dài, ngắn khác nhau. Ngoài ra, cũng có trường hợp thời hạn sử dụng nhà chung cư ngắn hơn niên hạn sử dụng của nhà chung cư đó theo quy định của pháp luật xây dựng, bởi vì do tác động của thiên tai (như bão, lũ hoặc động đất…) làm cho nhà chung cư này bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ trước khi hết niên hạn” – ông Lý nêu rõ.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không nên quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà chung cư mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này để bảo đảm tính khả thi.

Minh bạch sở hữu chung/riêng

Theo khoản 3 Điều 100 dự thảo Luật, chỗ để xe được chia thành 2 loại, nếu là chỗ để xe 2 bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ô tô thì do chủ đầu tư quyết định sẽ thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc thuộc sở hữu chung.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, tại khoản 3 Điều 70 Luật nhà ở hiện hành đã quy định rõ nơi để xe là thuộc sở hữu chung; tuy nhiên, khi hướng dẫn Luật nhà ở năm 2005 thì tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã chia nơi để xe thành 2 loại như dự thảo Luật.

Theo UBTVQH, quy định này đã dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp về nơi để xe ô tô trong nhà chung cư vì không rõ là thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng, phát sinh tranh cãi về mức giá trông giữ xe ô tô, gây mất ổn định trật tự xã hội.

“Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cần quy định rõ như dự thảo Luật và bổ sung quy định nếu chủ đầu tư quyết định giữ chỗ để xe ô tô thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì không được hạch toán vào giá bán căn hộ chung cư và phải công khai, minh bạch nội dung này trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư”- Ông Phan Trung Lý giải trình.

Sáng nay, các ĐBQH tiếp tục thảo luận, góp ý về dự án Luật nhà ở sửa đổi, trong có có một số vấn đề quan trọng khác: Chế độ nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, vấn đề quyền sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài...
Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.