Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định như vậy trong trao đổi với PV về trách nhiệm của các chủ đầu tư, của chính quyền địa phương khi để tình trạng đô thị bỏ hoang, dự án đầu tư tràn lan kém hiệu quả. Theo Bộ trưởng, với Nghị định 11/2013 về Quản lý đầu tư phát triển đô thị có hiệu lực từ 1.3.2013, sẽ giải quyết cơ bản tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Tiền Phong

Thưa Bộ trưởng, tại sao ông lại cho rằng khi triển khai Nghị định 11 mới được Chính phủ ban hành sẽ ngăn chặn được tình trạng phát triển dự án thiếu quy hoạch, kế hoạch? Phải chăng nhiều năm qua công tác này bị buông lỏng hay có gì bất cập, thưa ông?

Ngày 14.5 Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị và Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Đến thời điểm này, tôi cho rằng, Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị là văn bản quan trọng trong quản lý nhà nước về phát triển đô thị, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đây là văn bản đầu tiên quy định một quy trình xuyên suốt cho công tác đầu tư phát triển đô thị, từ công tác lập quy hoạch, kế hoạch, lên danh mục các dự án và triển khai thực hiện các dự án này cho đến khi hoàn thành bàn giao.

Tại sao tôi nói như vậy? Trước đây, chúng ta vận hành theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP và một số văn bản quy phạm pháp luật khác, song qua một quá trình áp dụng vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập. Thực trạng phát triển đô thị trong thời gian vừa qua đã cho thấy những thiếu sót lớn còn tồn tại trong công tác quản lý. Tại nhiều địa phương, công tác quản lý phát triển đô thị còn thiếu thống nhất, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị chậm và thiếu đồng bộ. Nhiều dự án đô thị phát triển mang tính tự phát thiếu quy hoạch và kế hoạch; tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục, hiệu quả đầu tư xây dựng thấp...

Để giải quyết vấn đề này, Nghị định 11 đã lần đầu tiên quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phải thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây chính là công cụ cốt lõi để kiểm soát quá trình phát triển đô thị, hạn chế các dự án thực hiện tràn lan không theo nhu cầu và khả năng của nền kinh tế như đã diễn ra trước đây. Chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm về việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng theo kế hoạch do chính mình đề xuất. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác kết nối, hỗ trợ chủ đầu tư, phối hợp trong công tác quản lý hành chính và an ninh trật tự tại các khu vực dự án. Nếu để khu đô thị hoang, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm!

Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn có địa phương cố tình “lách luật” phê duyệt dự án tràn lan thì hướng ngăn chặn tới đây sẽ như thế nào, thưa ông?

- Đây cũng chính là một điểm rất mới của Nghị định 11 mà tôi đánh giá cao, đó là tăng cường hơn vai trò quản lý giám sát của các bộ, ngành. Nếu trước đây chỉ những dự án 200ha trở lên mới phải trình Chính phủ, lấy ý kiến các bộ ngành, thì giờ đây không kể quy mô, kể cả những dự án 10ha, dựa trên tầm quan trọng và tính chất, đặc biệt là theo quy hoạch và kế hoạch, các địa phương phải lấy ý kiến và báo cáo các bộ chuyên ngành trước khi địa phương phê duyệt dự án. Điều này sẽ khiến các bộ ngành giám sát được quá trình phát triển đô thị, tránh tình trạng cấp phép tràn lan.

Vậy còn những chủ đầu tư năng lực yếu, triển khai dự án dây dưa, kéo dài hay thiếu trách nhiệm, cố tình “quên” hạ tầng xã hội, dịch vụ đô thị khiến các đô thị hình hài đã có nhưng người dân không thể về ở được thì chế tài xử lý ra sao, thưa ông?

- Trước hết nói về hiện tượng các dự án đầu tư phát triển đô thị được thực hiện thiếu đồng bộ, như xây nhà nhưng không xây trường học, không có nhà văn hóa, người dân đến ở nhưng không được cung cấp các dịch vụ đô thị thiết yếu… không phải là hiếm gặp tại các đô thị lớn thời gian qua.

Để loại bỏ tình trạng này, Nghị định 11 đã quy định một loạt các nội dung hết sức chặt chẽ như các quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư phải xây dựng các công trình hạ tầng xã hội đồng bộ với tiến độ hoàn thành các công trình nhà ở; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng các công trình này trong trường hợp được giao làm chủ đầu tư; và giải pháp xử lý trong trường hợp chính quyền địa phương không thể bố trí vốn ngân sách như dự kiến thì chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai đầu tư các công trình này theo các hình thức BT, BOT…

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định về trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị cho dân cư trong suốt quá trình thực hiện dự án (chưa bàn giao cho các cơ quan quản lý tại địa phương) của chủ đầu tư. Trách nhiệm của chính quyền địa phương phải tổ chức tiếp nhận quản lý việc cung cấp các dịch vụ này khi được bàn giao từ chủ đầu tư... Với các quy định chặt chẽ và cụ thể như vậy, tôi cho rằng sẽ hạn chế được đáng kể tình trạng các dự án xây xong nhà nhưng không có người dân đến ở. Còn nói về năng lực của chủ đầu tư thì Nghị định 11 cũng có những quy định rất rõ nên không lo dự án được giao đất, nhưng không triển khai do chủ đầu tư kém năng lực…

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Huệ (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.