Đường Bạch Đằng, phía bờ tây sông Hàn, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng lý tưởng cho người dân - Ảnh: Đăng Nam
Và không lâu nữa, đô thị này cũng sẽ được quy hoạch theo đúng như vậy, nhất là khi mới đây chính quyền Đà Nẵng quyết định khơi thông sông Cổ Cò để “kéo dài dòng sông” về hướng nam.
Là người gắn bó với quy hoạch Đà Nẵng từ nhiều năm nay nên khi nói về đô thị Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - khẳng định: chủ trương xuyên suốt trong mười mấy năm nay của chính quyền Đà Nẵng là quy hoạch đô thị một cách bền vững theo hướng “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”.
Kéo dài dòng sông
Cụ thể những năm qua, chính quyền đã bắt tay vào việc quy hoạch tuyến đường ven biển nối từ quận Liên Chiểu (đường Nguyễn Tất Thành) qua chân núi Sơn Trà bằng cầu dây văng Thuận Phước rồi chạy về Hội An trên trục đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa.
Song song đó, hai bên bờ sông Hàn cũng được quy hoạch, chỉnh trang theo hướng kéo dài dòng sông mà chuyện đầu tiên là giải tỏa di dời cảng cá Thuận Phước (phường Thuận Phước, Q.Hải Châu) tồn tại mấy chục năm sang âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, Q.Sơn Trà) và biến nơi đây thành một trung tâm thu mua, chế biến hải sản lớn.
Chính quyền rất cẩn trọng trong việc xây dựng cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, và sắp tới kiến trúc hai bên bờ sông được thông qua sẽ là động lực để con sông Hàn đúng nghĩa là cảnh quan quan trọng của trung tâm thành phố
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn
Ngay sau khi giải tỏa cảng cá Thuận Phước, Đà Nẵng đã bắt tay vào việc quy hoạch toàn bộ khu vực này bằng cách dành một quỹ đất để mở mới tuyến đường Như Nguyệt chạy bên sông. Tuyến đường này sau khi hoàn tất đã khớp nối với đường Bạch Đằng kéo dài ra hướng cửa biển.
“Bây giờ khu vực này thành điểm vui chơi công cộng lớn nhất của người dân và là một trong những điểm xem bắn pháo hoa lý tưởng. Trong tương lai khu vực này sẽ là một trong những bến du thuyền đẹp nhất trên dòng sông Hàn”- ông Thái Ngọc Trung, viện trưởng Viện Quy hoạch Đà Nẵng, nói. Phần đất còn lại nằm ở phía tây đường Như Nguyệt, đã được chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư với điều kiện xây dựng đúng theo quy hoạch đã phê duyệt trước đó.
Ngay sau khi việc kéo dài bờ sông phía tây về phía cầu Thuận Phước kết thúc, mới đây Đà Nẵng tiếp tục cho giải tỏa khu cảng Sông Thu để nối dài bờ sông Hàn đoạn từ chân cầu Rồng đến chân cầu Trần Thị Lý.
“Hiện dự án đang được triển khai với kế hoạch trong năm nay sẽ khớp nối toàn bộ để kéo dài dòng sông lên phía Cẩm Lệ”- ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.
Hiện toàn bộ phía bờ tây của sông Hàn đã gần như được khớp nối. Theo đó, trong tương lai không xa, người dân lẫn du khách có thể đi dọc bờ sông đoạn từ cầu Đỏ (nằm trên quốc lộ 1 qua huyện Hòa Vang) về đến tận cửa sông Hàn (đoạn cầu Thuận Phước). Tương tự, phía bờ đông sông Hàn hiện cũng đã được khớp nối gần như toàn tuyến và đi qua nhiều khu đô thị mới.
Không dừng lại ở đó, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, mới đây chính quyền hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã ngồi lại với nhau để bàn về việc khơi thông con sông Cổ Cò đoạn giáp ranh giữa quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) với huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Mục đích cuối cùng là tìm cách kéo dài bờ sông về hướng nam, nơi có nhiều khu đô thị mới đã được quy hoạch và đang trong quá trình hoàn thiện.
“Hiện phía Đà Nẵng việc khơi thông đã cơ bản hoàn tất, tuy nhiên phía Quảng Nam thì chưa. Chúng tôi hi vọng trong nay mai khi dự án khơi thông hoàn tất thì từ Đà Nẵng du khách có thể về thăm Hội An bằng thuyền buồm mà không cần đi ôtô”- ông Tuấn phấn khởi nói.
Đường Bạch Đằng, phía bờ tây sông Hàn, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng lý tưởng cho người dân - Ảnh: Đăng Nam
Đôi bờ sông là công viên, vườn hoa
Cũng theo ông Tuấn, về cơ bản quy hoạch dọc hai bên sông Hàn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên vẫn có một số khu vực cần phải xem xét, rà soát lại. Đơn cử như đường Bạch Đằng với những khu dân cư hiện hữu sẽ có quy định về khoảng lùi, độ cao... để khi cải tạo xây dựng phải đúng quy định.
Ngoài ra, một số khu vực dành cho nhà cao tầng phải có quy định cụ thể để thống nhất. Riêng phía đường Trần Hưng Đạo, các vỉa hè ven sông phải thống nhất xem là công viên vui chơi thông thoáng có đầy đủ hạ tầng chiếu sáng, tạo điều kiện cho người dân, khách du lịch có không gian giải trí.
Ông Tuấn cho hay thời gian qua trên sông Hàn có một số dự án xin đầu tư thuộc diện nhạy cảm, nhưng sau đó chính quyền cũng đã nghe hết các phản biện xã hội. Cụ thể như cầu đi bộ hình vỏ sò qua sông Hàn đã đưa ra phản biện và cho thấy là cần thiết, tuy nhiên thời gian đầu tư chưa thật hợp lý nên chính quyền cho lùi lại dự án này. Hay như dự án tháp hải đăng, chính quyền cũng xem xét về mặt cảnh quan và khi dư luận phản ảnh thì cũng cho tạm dừng để tìm một vị trí xây dựng thích hợp hơn.
“Chính quyền rất cẩn trọng trong việc xây dựng cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, sắp tới kiến trúc hai bên bờ sông được thông qua sẽ là động lực để con sông Hàn đúng nghĩa là cảnh quan quan trọng của trung tâm thành phố”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trong tương lai hai bờ sông Hàn sẽ là công viên vườn hoa đi dạo ngắm cảnh chứ không xây dựng các trung tâm đô thị sát sông. Và giữa tháng 6 Đà Nẵng sẽ thông qua đồ án quy hoạch tổng thể hai bên bờ sông Hàn và khi đó sẽ phân ra chi tiết khu vực nào là công viên vui chơi, phần nào là làm dịch vụ... Tất cả đều thể hiện rất rõ qua đồ án và từ đó sẽ cân nhắc trong việc đầu tư hay kêu gọi, xã hội hóa nhưng tất cả đều phải ưu tiên cho du lịch cộng đồng.