Nếu Đề án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Hà Nội (giai đoạn 2011 - 2015) của Sở Giao thông vận tài Hà Nội được phê duyệt, Hà Nội cần tới 260.000 tỷ (khoảng 13 tỷ USD) để xây dựng các tuyến đường vành đai, trục chính đô thị, các nút giao thông hiện đại. Tuy nhiên, số tiền trên là quá lớn, vượt cả tổng mức đầu tư toàn xã hội của Hà Nội trong 5 năm tới, dẫn đến Đề án sẽ khó trở thành hiện thực.


Giao thông đô thị luôn quá tải (Nguồn: Internet)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội được xây dựng, nằm trong kế hoạch phát triển chiến lược của TP, nhằm quy hoạch và xây dựng cho Hà Nội có được một hệ thống giao thông văn minh, hiện đại, giảm tải ùn tắc, một vấn nạn đang nhức nhối và chưa có hướng giải quyết toàn diện hiện nay.

Do đó, đề án được xây dựng, bên cạnh những dự án giao thông đã và đang triển khai, sẽ nhằm vào “đối tượng chính”, là phát triển các trục giao thông chính, liên thông theo mạng lưới. Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội (theo Đề án) đề xuất ưu tiên hoàn chỉnh các tuyến vành đai 2, vành đai 3 theo hướng một phần đi trên cao. Đặc biệt, đoạn tuyến Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân sẽ được tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành nhằm tạo được tuyến vành đai hoàn chỉnh để điều tiết và hạn chế ùn tắc giao thông cho nội đô…

Bên cạnh đó, đề án đặc biệt chú trọng vào sự phát triển hệ thống giao thông tĩnh, khi qũy đất quá eo hẹp. Trong đó sẽ triển khai một số dự án bãi đỗ xe, ưu tiên xây dựng các bãi đỗ cao tầng, bãi đỗ ngầm có áp dụng công nghệ tiên tiến. Dự kiến, xây dựng khoảng 40 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ lắp ghép và ngầm trong nội đô. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng diện tích các bến, bãi đỗ xe khoảng 300 đến 426 ha, cải tạo nâng cấp một số bến hiện có, xóa bỏ các bến có vị trí không phù hợp, chuyển đổi công năng một số bến xe tải trong nội thành thành điểm đỗ công cộng… Tuy nhiên, để “giải quyết” đề án này toàn diện, cần tới khoảng 259.888 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Trong đó, vốn tập trung xây dựng các tuyến vành đai là khoảng 102.000 tỷ đồng, các trục chính đô thị hơn 50.000 tỷ đồng, quốc lộ hướng tâm 15.800 tỷ đồng… Đây là một con số đầu tư không nhỏ, có thể nằm ngoài “sức chịu đựng” của ngân sách thành phố.

Ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, số vốn đầu tư của đề án như vậy là quá lớn, thậm chí, vượt cả mức tổng đầu tư toàn xã hội của Hà Nội trong 5 năm tới. “Hiện tại, mỗi năm đầu tư cho xây dựng cơ bản của thành phố chỉ tăng khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Như vậy, 5 năm tới, việc tăng thêm 100.000 tỷ đồng vốn cho giao thông là chuyện hoàn toàn không thể, kể cả khi huy động một phần tiền từ nguồn xã hội hóa”, ông Dục nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm trên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Trần Đức Vũ cho rằng, Đề án khó khả thi từ số vốn thì không thể khả thi để thực hiện. Ngay cả khi thành phố chấp thuận quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông, thu hút vốn từ các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) và PPP (Hợp tác công tư) thì cũng chỉ đáp ứng được phân nửa nhu cầu vốn trên. Đó là chưa kể đến những hệ lụy khôn lường từ những đề án chậm chễ do thiếu vốn. Do vậy, đề án có lẽ chỉ có thể dừng lại ở ý tưởng.

Đúng là “tiến thoái lưỡng nan”, khi những đòi hỏi cấp bách của giao thông đô thị ngày một lớn, không chỉ riêng thành phố Hà Nội. Thiếu tiền, hệ quả là những đề án, dự án, dù hoàn toàn phù hợp với dự phát triển, cũng chỉ là những “dự án ngăn kéo”.

Cafeland.vn - Theo Đại Đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland